Sạt lở, hoa màu ngập úng
Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với nhiễu động gió đông tầng thấp nên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Ghi nhận của PV tại xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc), bờ biển ở đây bị sạt lở với chiều dài khoảng 3,3km; một số đoạn nước đã tràn qua tỉnh lộ 21. Khu vực sông Bù Lu (thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) đã sạt lở sâu vào khu dân cư 0,5m; dài 100m.
Còn tại khu vực kè thôn An Dương (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) bị sạt lở 2km, xói sâu vào 5-8m ở phần chưa được đầu tư. Bờ biển qua xã Phú Diên, Phú Hải (huyện Phú Vang) bị sạt lở với chiều dài hơn 2km.
Sông Hương đoạn qua tổ dân phố 3, phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà) cũng sạt lở với chiều dài hơn 300m.
Còn tuyến đường đập Cửa Lác đi qua địa bàn xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền) đã ngập với mức nước cao hơn thân đập từ 50cm. Nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản, Trạm Cửa Lác đã thực hiện rào chắn barie ngang thân đập bắt đầu từ tuyến đường vào trạm. UBND xã cũng thông báo cấm người và phương tiện lưu thông qua lại trên tuyến đường Cửa Lác.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, mưa lớn hiện cũng làm ngập úng 30ha hoa màu; 5,7 ha hoa cúc Tết tại xã Quảng Thành, Quảng Thọ, thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền); ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Một hồ tôm với diện tích 2.200m2 tại xã Điền Hương (huyện Phong Điền) bị vỡ làm thiệt hại hoàn toàn tôm có trong hồ.
Trong khi đó, do mưa to và rất to xảy ra ở khu vực đồng bằng, TP. Huế có cường độ lớn, tập trung trong thời đoạn ngắn đã gây ngập úng cho một số tuyến đường như Trần Quang Khải, Đống Đa, Tôn Đức Thắng, Chi Lăng, Nguyễn Chí Thanh, Nhật Lệ… từ 0,3m.
“Hiện nay, mặc dù mực nước ở các hồ còn thấp nhưng các chủ hồ vẫn tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa theo quy định; tuân thủ tích nước, điều tiết xả nước về vùng hạ du một cách hợp lý trong điều kiện dự báo mưa lớn vẫn còn tiếp diễn nhằm đảm bảo an toàn công trình và tránh ngập đột ngột, cục bộ tại vùng hạ du…”- ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.
Lũ chia cắt nhiều nơi
Theo ghi nhận của PV, do chịu lượng mưa lớn liên tục từ 300mm trở lên trong 2 ngày qua, tại huyện Phong Điền và phía nam huyện Phú Lộc đã xảy ra tình trạng ngập lụt cục bộ ở nhiều khu dân cư, trường học.
Đặc biệt, mưa lớn đã khiến nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây lũ trên các sông, suối và các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Phong Điền, gây chia cắt, nguy hiểm đến việc đi lại của người dân.
Cụ thể tại tỉnh lộ 6, đoạn qua tổ dân phố Trạch Tả (thị trấn Phong Điền) ngập sâu khoảng hơn 1m. Đây là khu vực thấp, thường xuyên bị ngập lũ mỗi khi mưa lớn kéo dài; lực lượng công an huyện đã bố trí người trực, cảnh báo nguy hiểm.
Ở đây, PV nhận thấy một đoạn đường dài hàng chục mét bị ngập sâu trong nước, đoạn ngập sâu nhất khoảng 0,6m, chia cách giao thông trong vùng. Theo quan sát, nhiều người ở hai đầu đường mà không thể qua lại được, do đó họ ngậm ngùi quay đầu xe và tìm đường khác để đi.
Các tuyến đường khác trên địa bàn huyện Phong Điền cũng đang bị ngập sâu gây tắc đường như ở quốc lộ 49 qua cầu Eo thuộc xã Phong Hòa, khu vực trước Trường THCS Trần Văn Kỷ (Phong Bình); thôn Vĩnh Hương, Phường Hóp (xã Phong An); thôn Phong Thu (xã Phong Mỹ), đường liên thôn qua các thôn Hiền An, Bến Củi (xã Phong Xuân)…
“Rút kinh nghiệm từ các đợt lũ trước, người dân nơi đây đã chuẩn bị phương tiện, lương thực và chủ động di dời khi tình huống xấu xảy ra. Nhưng nước lên nhanh, dù chúng tôi đã di chuyển đồ đạc lên cao nhưng cũng không tránh khỏi cảnh ngập…”- bà Võ Thị Bồng (68 tuổi, tổ dân phố Trạch Tả) nói.
Tại xã Phong Bình khu vực qua chợ Phò Trạch (thôn Phò Trạch), nước dâng cao từ 0,5 đến 1m. Nhiều hàng quán tại khu chợ ngập cục bộ khiến tiểu thương gặp khó khăn trong việc di chuyển hàng hóa. Nhiều tuyến đường liên thông của xã Phong Bình cũng xảy ra tình trạng ngập cục bộ khiến giao thông đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Còn tại huyện Quảng Điền, một số địa phương như xã Quảng Thọ, xã Quảng Phú… có vài thôn và nhiều đường liên thôn bị ngập úng cục bộ. Trong khi đó, ở huyện Phú Lộc, một số tuyến đường thôn xóm tại các xã Lộc Bổn, Lộc An, Lộc Điền, Lộc Trì, thị trấn Phú Lộc và Lộc Thủy cũng bị ngập sâu, khu vực đập tràn thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh) có mực nước ngập sâu 0,6m nên gây chia cắt.
Theo dự báo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 24 giờ tới trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Đợt mưa này kéo dài đến ngày 15/12, khả năng xuất hiện lũ trên các triền sông.
Để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã và TP. Huế triển khai một số nội dung như: Rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lỡ ở vùng núi, vùng gò đồi, ven sông suối, ven biển; toàn bộ các khu dân cư ngập úng; khu vực ngập úng đô thị…
Chủ đầu tư các công trình đang thi công có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị; bố trí biển báo, lực lượng ứng trực, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang, khơi thông dòng chảy. Các công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến mưa lũ. Các địa phương triển khai các phương án chống úng cục bộ bảo đảm sản xuất vụ đông xuân và nuôi trồng thủy sản…
Theo ghi nhận của PV, hiện tại trên địa bàn Thừa Thiên Huế đang mưa rất to, nguy cơ lũ trên diện rộng là rất cao. Mực nước trên sông Hương, sông Bồ đã trên mức báo động 1. Nhiều nơi xuất hiện lũ nhỏ.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.