Giải ngân đang đạt 9 % kế hoạch
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, năm 2023, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao là 5.923,257 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách địa phương 3.218,266 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 2.704,991 tỷ đồng.
Đến nay, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết và UBND tỉnh đã có Quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023. Cụ thể, đối với ngân sách trung ương, vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia là 367,041 tỷ đồng đã thực hiện thủ tục giao kế hoạch vốn cho các dự án; vốn nước ngoài ODA 683,95 tỷ đồng đã giao toàn bộ kế hoạch vốn cho các dự án chuyển tiếp.
Đối với vốn ngân sách Trung ương vốn trong nước 1.654 tỷ đồng đã bố trí cho 18 dự án, gồm 3 dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm 2023, 7 dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2023 và 8 dự án khởi công mới trong năm 2023. Kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2023 là 3.218,266 tỷ đồng, đến nay, Thừa Thiên – Huế đã giao kế hoạch vốn năm 2023 là 2.803,266 tỷ đồng cho các dự án, phần còn lại là 250 tỷ đồng chưa giao thuộc nguồn bội chi ngân sách địa phương, dự kiến sẽ giao cho dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế sau khi dự án được ký hợp đồng vay lại với Bộ Tài chính.
Ngoài ra, trong tháng 1/2023, Thừa Thiên – Huế đã giao bổ sung 705,703 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách tỉnh năm 2021 và năm 2022. Do đó, tổng nguồn lực đầu tư công năm 2023 của tỉnh là 6.628,96 tỷ đồng. Tính đến đến thời điểm cuối tháng 2/2023, Thừa Thiên – Huế đã giải ngân được 596,386 tỷ đồng, đạt 9,0 % kế hoạch.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có chỉ thị về đầu tư công năm 2023, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023. Không để sau khi giao kế hoạch vốn, các dự án mới bắt đầu triển khai các công việc. Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh.
Chấn chỉnh những bất cập
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị. Nhằm thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các văn bản chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân đầu tư công để đảm bảo giải ngân hết 100% kế hoạch vốn năm 2023.
Tỉnh cũng ban hành kế hoạch giải ngân và phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện cho từng dự án ngay từ đầu năm; giám sát theo từng tháng. Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường; tăng cường giao ban tiến độ, tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, phân công lãnh đạo đơn vị phụ trách từng dự án. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt dự án, đảm bảo rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật và tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc chỉ rõ các mốc thời gian quy định là căn cứ cụ thể để các chủ đầu tư dự án đốc thúc theo sát, nhằm thực hiện đúng lộ trình đặt ra cho từng dự án. Cụ thể, với các dự án và gói thầu chuyển tiếp được bố trí kế hoạch vốn năm 2023, tỉnh yêu cầu đến ngày 30/6/2023 phải giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm 2023, đến 15/12/2023 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023. Đối với các dự án và gói thầu khởi công mới được bố trí kế hoạch vốn năm 2023, phải có số liệu giải ngân cho công tác xây lắp khi đến ngày 30/6/2023 và đến ngày 30/9/2023 phải giải ngân trên 70% kế hoạch vốn năm 2023, đến 31/12/2023 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023.
Các dự án đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2023 (cả chuyển tiếp và khởi công mới) đến ngày 30/6/2023 chưa giải ngân cho công tác xây lắp theo quy định trên, UBND tỉnh sẽ xem xét dừng giải ngân và điều chuyển cho các dự án khác có khả năng thanh toán và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc chuyển vốn cho các dự án khác. Với các dự án hoàn ứng, các dự án đã quyết toán và các dự án hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2022 được bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, chủ đầu tư hoàn tất thủ tục hoàn ứng và thanh toán trước 31/3/2023. Sau thời điểm trên, UBND tỉnh dừng giải ngân và điều chuyển cho các dự án khác có khả năng thanh toán; chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc kéo dài thủ tục hoàn ứng và thanh toán, làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân chung của tỉnh.
“Lãnh đạo các đơn vị chủ đầu tư tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập; người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Các chủ đầu tư đăng ký và cam kết tiến độ giải quyết từng dự án, báo cáo UBND tỉnh, phân công lãnh đạo theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị”, ông Phương nhấn mạnh.
Theo Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế, giai đoạn 2021 - 2025, các dự án công trình về giao thông, hạ tầng kỹ thuật dân cư, thương mại… trên địa bàn tỉnh có nhu cầu đất làm vật liệu san lấp khoảng hơn 35 triệu m3. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 mỏ đất làm vật liệu san lấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho các dự án