Thừa Thiên Huế có bờ biển dài 128 km, trong đó hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kéo dài 68 km, rộng 1- 10 km, tổng diện tích mặt nước 216 km2, là đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, kinh tế biển và đầm phá trên địa bàn tỉnh chưa bao giờ được khai thác mạnh mẽ như hiện nay. Thành quả có được như hôm nay bắt đầu từ những chủ trương của tỉnh, đầu tư đúng hướng để phát triển kinh tế biển.
Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai rộng lớn với nguồn thủy hải sản dồi dào |
Để tiếp tục phát huy tiềm năng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu đề ra là đưa Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước; kinh tế biển ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh; phấn đấu đạt các chỉ tiêu về phát triển bền vững kinh tế biển theo quy định của Chính phủ; chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, nước biển dâng; ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, đầm phá, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; bảo tồn các hệ sinh thái biển, đầm phá. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa xã hội, phát triển con người của cộng đồng dân cư ven biển, đầm phá. Củng cố, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên vùng biển và khu vực ven biển của tỉnh.
Mục tiêu cụ thể là bảo đảm các chỉ tiêu về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo quy định của Chính phủ. Phấn đấu các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến biển, đầm phá được thực hiện theo nguyên tắc quản lý tổng hợp phù hợp với hệ sinh thái biển, đầm phá.
Nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, kinh tế biển, đầm phá giữ vai trò trọng yếu. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quy định của Chính phủ. Phát triển mạnh về khai thác, chế biến sản phẩm từ biển; các ngành dịch vụ biển, đầm phá. Kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển, đầm phá. 100% số xã ven biển, đầm phá đạt chuẩn gắn với nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%; 100% dân số được sử dụng nước sạch.
Bờ biển ở Huế trải dài, thu hút đông đảo khách du lịch |
Phấn đấu đến năm 2030, các địa phương vùng ven biển, đầm phá sẽ có những thành tựu về phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống, Qua đó, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, phát huy được lợi thế riêng có và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có năng lực, trình độ cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%.
Bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học vùng đầm phá; giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước mặt. Bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn, ngập ngọt và trên cát ven biển, đầm phá. Nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng lên trên 30%. Các khu đô thị, cụm công nghiệp và làng nghề trong vùng được xử lý nước thải, thu gom, xử lý chất thải rắn đặt tiêu chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường. 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Phòng, tránh và hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường, thiệt hại do thiên tai gây ra.
Kế hoạch đưa ra 7 nhiệm vụ thực hiện đến năm 2025 và đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; Phát triển kinh tế biển, ven biển; Phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực biển; Môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Bảo đảm quốc phòng, an ninh; đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng triển khai nhiều đề án, dự án khác nhằm nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu như đề án Chống xuống cấp các di tích thuộc vùng ven biển tháp Phú Diên, đình Mỹ Lợi, đình Bàn Môn (giai đoạn 2020- 2025); Mở rộng diện tích Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai (giai đoạn 2020- 2025); Bảo tàng thiên nhiên vùng duyên hải miền Trung (giai đoạn 2026 - 2030)…