Môi trường

Thừa Thiên - Huế nhận chìm gần 500.000 m3 chất nạo vét xuống biển

Văn Dinh 06/06/2023 - 14:12

(TN&MT) - Khoảng 480.000 m3 chất thải nạo vét sẽ được nhận chìm xuống vùng biển tỉnh Thừa Thiên – Huế.

UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa cấp phép cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh được nhận chìm 480.808,45 m3 chất nạo vét (CNV) tại khu vực xây dựng công trình đê chắn sóng và luồng tàu vào cảng Chân Mây, thuộc dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây – giai đoạn 2.

Thành phần của chất nạo vét chủ yếu là bùn (sét rất dẻo, màu xám xanh, xám ghi, trạng thái chảy) và cát bụi, màu xám ghi, kết cấu rời rạc. Tỷ lệ bùn sét chiếm 84%, cát chiếm 16%. Khối lượng chất nạo vét được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quá quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

tghhh.jpg
Cơ quan chuyên môn lấy mẫu quan trắc, giám sát môi trường biển tại khu vực nhận chìm chất nạo vét

Địa điểm khu vực nhận chìm chất thải nạo vét thuộc vùng biển xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là địa điểm nằm trong khu vực nhận chìm chất thải nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 622 ngày 23/3/2023.

Khu vực biển sử dụng để nhận chìm có diện tích là 49 ha, được giới hạn bởi các điểm góc A, B, C, D, tâm O, có tọa độ thể hiện trên Bản đồ khu vực biển sử dụng để nhận chìm kèm theo Giấy phép này; độ sâu sử dụng từ 30 m đến 31 m tính từ mức “0” hệ cao độ quốc gia.

Việc vận chuyển chất thải nhận chìm sử dụng xáng cạp dung tích từ 6 m3 đến 12 m3, sà lan tự hành 1.000 tấn (dung tích 654 m3), tàu kéo đẩy có công suất 1.200 CV (mỗi sà lan vận chuyển 3 chuyến/ngày); nhận chìm trung bình khoảng 7.800 m3/ngày, tối đa 14.400 m3/ngày; nhận chìm vật chất nạo vét theo hình thức xả đáy.

Trong quá trình nhận chìm, đơn vị được cấp phép phải thực hiện nhận chìm đúng địa điểm, khối lượng, thành phần vật chất được phép nhận chìm, sử dụng đúng phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm, thời điểm và thời hạn nhận chìm quy định; phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện nhận chìm.

Trường hợp có các dấu hiệu không đảm bảo an toàn, nhận chìm không đúng vị trí hoặc không đúng thành phần của chất nạo vét hoặc khối lượng bị hao hụt trong quá trình vận chuyển vật chất nhận chìm hoặc một trong các thông số quan trắc, giám sát môi trường vượt giới hạn cho phép thì phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục sự cố; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật…

adasdsadasdas.jpg
Bản đồ khu vực biển sử dụng để nhận chìm

Thời hạn được nhận chìm chất thải nạo vét xuống biển là 18 tháng, kể từ ngày 21/4/2023.

Trước đó vào tháng 3, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định phê duyệt 2 khu vực nằm tại vùng biển xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc), thuộc khu vực ngoài khơi Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để nhận chìm chất thải nạo vét thuộc phạm vi quản lý tỉnh với khối lượng 6,8 triệu m3.

Khu vực 1 có diện tích 400 ha, độ sâu từ 29 m đến 34 m tính từ mức “0” hệ cao độ Quốc gia. Khu vực 2 có diện tích 400 ha, độ sâu từ 30 m đến 35 m tính từ mức “0” hệ cao độ Quốc gia. Mỗi khu vực có sức chứa 3,4 triệu m3.

Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định, nhằm đảm bảo việc đánh bắt cho ngư dân và không có các tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái biển; các hoạt động nhận chìm chất nạo vét phải được giám sát chặt chẽ, thường xuyên. Sở TN&MT tỉnh tăng cường tần suất quan trắc chất lượng nước và khảo sát điều tra các hệ sinh thái biển. Bên cạnh đó, đánh giá tác động môi trường cũng được tiến hành trước khi bắt đầu các hoạt động nhận chìm để đánh giá các tác động có thể xảy ra đối với môi trường, sinh kế, và các hoạt động kinh tế khác, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế nhận chìm gần 500.000 m3 chất nạo vét xuống biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO