Nhiệt độ tại Huế những ngày qua luôn ở mức cao từ 38 đến hơn 40 độ |
Phụ tải tiêu thụ điện tăng
Nằm ở dải đất miền Trung đầy nắng gió, các đợt nắng nóng ở Thừa Thiên Huế thường bắt đầu từ giữa tháng 3 và kéo dài đến cuối tháng 8, chu kỳ nắng nóng gay gắt kéo dài hơn các khu vực khác tại miền Trung - Tây Nguyên do ảnh hưởng của vùng thấp nóng phía Tây. Giai đoạn cao điểm nắng nóng rơi vào từ tháng 4 đến tháng 6, thời gian này thường có nắng nóng gay gắt trên diện rộng, với nhiệt độ phổ biến 35-37 độ C, đỉnh điểm lên tới 38-39 độ C, nhiều nơi nhiệt độ lên đến hơn 40 độ.
Ghi nhận của PV những ngày qua, nhiệt độ ban ngày ở Huế luôn dao động từ 38 độ đến hơn 40 độ. Nhiệt độ môi trường tăng cao, cộng với gió nóng, tản nhiệt diễn ra chậm hơn, độ ẩm không khí thấp khiến không khí oi bức, mặc dù TP. Huế là nơi có nhiều cây xanh, có sông Hương giữa đô thị nhưng cũng khiến cảm giác nóng rất khó chịu, ngột ngạt.
Cũng chính vì thế, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện như điều hòa, quạt máy, quạt hơi nước... để giải nhiệt tăng cao khiến tiền điện tăng vọt, chi phí điện cho đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là sinh hoạt gia đình tăng hơn trước, chiếm một phần lớn trong sinh hoạt phí thường ngày.
Cấp điện ổn định, liên tục |
Theo thống kê của Điện lực Thừa Thiên Huế, công suất cực đại hệ thống điện toàn tỉnh đạt khoảng 296,7MW, tăng hơn công suất đỉnh năm 2020 (290,2MW), tăng 2,2% so với năm trước. Trong đó, các khu vực duy trì phụ tải tăng cao như KCN Phú Bài, trung tâm TP. Huế, các khu dân cư ven thành phố như Phú Thượng, Phú Mỹ, Thủy Vân, Thủy Xuân, trung tâm thị xã Hương Thủy, Hương Trà...
Sản lượng điện nhận bình quân ngày toàn tỉnh trong tháng 4,5/2021 tăng cao, từ 6-6,1 triệu kWh/ngày và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tháng 6/2021. Trong đó, thành phần phụ tải sinh hoạt hộ gia đình tiêu thụ tháng 5 so tháng 4 duy trì mức tăng cao như mọi năm: năm 2018 tăng 15%, năm 2019 tăng 14%, năm 2020 tăng 8% và năm 2021 tăng 13%. Do đó, tiền điện của các hộ gia đình sẽ có xu hướng tăng cao trong các tháng mùa khô sắp tới, trong đó tháng 6 có mức tăng bình quân giai đoạn 2018-2020 vào khoảng 16% so tháng 5, cao nhất là tháng 6/2020 tăng hơn 22%.
Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đại Phúc – Phó giám đốc Điện lực Thừa Thiên Huế cho rằng, từ cuối tháng 4/2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện các ca nhiễm mới, nhiều ca tiếp xúc gần, chính quyền địa phương phải ban hành các quyết định thực hiện giãn cách xã hội, một số khu vực thực hiện cách ly y tế phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết, các địa điểm kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, địa điểm vui chơi giải trí tạm ngưng hoạt động, … làm cho nhu cầu sử dụng điện trong các hộ gia đình tăng cao, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng là điều không tránh khỏi.
Tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cho các hộ dân |
Theo các thống kê, điều hòa nhiệt độ chiếm 30% mức tiêu thụ điện năng trong gia đình, càng sử dụng điều hòa với thời gian liên tục trong ngày càng khiến cho lượng điện tiêu thụ tăng vọt, lên tới các mức giá cao trong thang bảng giá bán lẻ điện sinh hoạt tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc sử dụng cùng lúc thiết bị này vào các giờ cao điểm trưa (từ 11h30 đến 15h00) và tối (từ 20h00 đến 23h00), trong cùng khu vực, trạm điện khiến cho áp lực cung cấp điện tăng cao đột ngột, nguy cơ đầy tải, quá tải cục bộ gây mất điện, xảy ra sự cố, cháy nổ về điện, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh việc tăng cường ứng trực xử lý sự cố, kiểm tra, giám sát phụ tải, bảo dưỡng đường dây, lưới điện, Điện lực Thừa Thiên Huế cũng thường xuyên thông tin, tuyên truyền đến khách hàng nhằm quảng bá, hướng dẫn về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, an toàn điện trong nhân dân, thay đổi thói quen sử dụng các thiết bị điện nhằm vừa đáp ứng nhu cầu điện trong mùa nắng nóng, vừa hạn chế tối đa hóa đơn tiền điện tăng cao, đột biến, tối ưu sinh hoạt phí gia đình.
“Khách hàng cần sử dụng điện theo phương châm 4 đúng là “đúng lúc – đúng chỗ - đúng cách và đúng nhu cầu”. Khi không sử dụng, tắt nguồn tất cả các thiết bị điện. Không sử dụng cùng lúc thiết bị điện có hiệu suất cao trong giờ cao điểm của hệ thống điện; Thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ các thiết bị điện; Sử dụng điều hòa nhiệt độ, thiết bị làm mát có kiểm soát, bằng cách đặt nhiệt độ không thấp hơn 26 độ C, kèm quạt gió để lưu thông không khí. Thường xuyên theo dõi sản lượng điện tiêu thụ hàng ngày hoặc ít nhất mỗi tuần một lần trên ứng dụng CSKH trên thiết bị di động thông minh để biết sản lượng điện đã tiêu thụ trong chu kỳ hóa đơn, kịp thời điều chỉnh nhu cầu sử dụng khi sản lượng tăng cao hơn trước. Nếu người dân có lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, cần tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ để sử dụng, linh hoạt thay đổi thói quen sinh hoạt, sản xuất kinh doanh nhằm tối ưu chi phí đầu tư ban đầu, giảm tiền điện phải trả ở các mức giá cao, góp phần ổn định cung cấp điện khu vực...”, ông Phúc cho hay.