Truy vết người đi/đến từ Đà Nẵng
Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả các bệnh nhân này đều liên quan đến điểm dịch là cơ sở thẩm mỹ viện Amida (222 Phan Chu Trinh, Đà Nẵng); các bệnh nhân đều được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Trên địa bàn hiện có 346 trường hợp F1, 2.358 trường hợp F2, 4.173 trường hợp F3. Tất cả đều được giám sát, cách ly, truy vết theo quy định phòng, chống dịch bệnh. Kể từ ngày 29/4 đến nay đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 1.655 trường hợp.Toàn tỉnh đã tiêm phòng vắc xin cho 8.249 người là các đối tượng ưu tiên gồm cán bộ y tế, cán bộ khu cách ly, cán bộ nhân viên tại các cảng, cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng chức năng rà soát, truy vết những người từ Đà Nẵng ra Huế |
Chủ tịch UBND tỉnh yêu các địa phương và lực lượng chức năng liên quan tiếp tục tập trung rà soát, lập danh sách truy vết tất cả người dân đến và trở về từ TP. Đà Nẵng từ ngày 25/4 đến nay để phân loại, kịp thời phát hiện những người đã đến, làm việc tại cơ sở Thẩm mỹ viện Amida, vũ trường New Phương Đông và các điểm dịch tại Đà Nẵng theo công bố của Bộ Y tế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác khai báo, cung cấp thông tin công dân có liên quan đến cơ sở Thẩm mỹ viện Amida, vũ trường New Phương Đông và các điểm dịch tại Đà Nẵng để chính quyền địa phương và cơ quan y tế nắm bắt và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp theo quy định.
Tronng khi đó, TP. Huế quyết định kích hoạt Tổ phê duyệt “Giám sát người vào Huế” đối với người đăng ký lưu trú tại TP. Huế từ 12h ngày 9/5; yêu cầu Tổ phê duyệt phải túc trực 24/7 để giải quyết thủ tục chấp thuận cho công dân về địa phương; khẩn trương thành lập 2 chốt kiểm soát người và phương tiện từ các địa phương có dịch trong tỉnh vào địa bàn TP. Huế tại phường Thủy Xuân và An Hòa.
Nâng mức cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, đây là lần đầu tiên tỉnh ta đối phó với việc trên địa bàn xuất hiện trường hợp F0 trong cộng đồng, đây là lúc để thử thách bộ máy chính quyền các cấp, thử thách công tác chỉ đạo điều hành cũng như phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch. Tất các các địa phương phải sẵn sàng kịch bản cao nhất trong trường hợp phải giãn cách xã hội toàn tỉnh; từng cấp, từng ngành phải chủ động có phương án, kịch bản và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống. Chuẩn bị phương án cán bộ công chức viên chức phải giải quyết công việc tại nhà trên môi trường mạng khi khi giãn cách xã hội.
Nhiều địa phương ở Thừa Thiên Huế bị phong tỏa |
Tại thời điểm hiện tại, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải tập trung lực lượng để truy; nâng cao mức độ giám sát công dân từ các địa phương trở về. Đồng ý chủ trương tầm soát diện rộng, công tác lấy mẫu phải nhanh và chất lượng, toàn tỉnh phải luôn luôn đảm bảo sẵn sàng có 4.000 Kit test xét nghiệm COVID - 19.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Ban chỉ đạo, các địa phương, đơn vị, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an đã và đang nỗ lực triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua. Trong thời gian tới, đề nghị tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo, điều hành quản lý của chính quyền và huy động sự tham gia của nhân dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc; yêu cầu đảng viên, cán bộ công chức, viên chức phải đi đầu, gưởng mẫu, chấp hành tốt các biện pháp phòng dịch.
Liên quan đến công tác bầu cử, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tùy theo tình hình mỗi địa phương để triển khai thực hiện trên nguyên tắc vừa phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa đảm bảo kế hoạch bầu cử. Đẩy mạnh sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương bằng nhiều kênh khác nhau để cử tri tiếp cận được với ứng viên, tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến.
Được biết, kể từ ngày 29/4 đến nay đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 1.755 trường hợp. Kết quả có 3 trường hợp dương tính, 1.652 trường hợp âm tính, 99 trường hợp đang chờ kết quả...