Thừa Thiên – Huế: Nâng cao ý thức bảo vệ động vật rừng qua mô hình “Cà phê Sơn Dã”

Văn Dinh| 18/02/2023 16:41

Thông qua việc trải nghiệm “Cà phê Sơn Dã” nhằm mong muốn thay đổi hành vi và quan niệm xã hội nhằm giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã (ĐVHD), đồng thời kêu gọi sự tham gia của cộng đồng cùng chung tay bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Trong ba ngày 17 – 18 - 19/2, hoạt động trải nghiệm mô hình “Cà phê Sơn Dã” được diễn ra tại công viên Tứ Tượng (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế), thu hút đông đảo người tham gia.

1(1).jpg

Mô hình “Cà phê Sơn Dã” nhằm nâng cao ý thức bảo vệ ĐVHD

Chương trình trong khuôn khổ Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ, đơn vị thực hiện dự án là Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) phối hợp với Ban quản lý dự án VFBC tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức triển khai.

Việt Nam được coi là một trong những quốc gia đa dạng sinh học cao trên thế giới, nhưng nhiều thập kỷ khai thác gỗ, buôn bán ĐVHD trái phép và chuyển đổi nông nghiệp đã dẫn đến những thiệt hại đáng kể về rừng tự nhiên và ĐVHD. Đặc biệt, các loài ĐVHD trong nước phải đối diện với nhiều mối đe dọa như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, săn bắt và khai thác quá mức. Trong đó săn bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép có thể được xem là những nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm đáng kể số lượng ĐVHD...

2(1).jpg

Trưng bày tranh về ĐVHD

Với hình thức lưu động và mục tiêu lan tỏa thông điệp “Thịt rừng kề miệng, nguy cơ chực chờ” - nguy cơ sức khỏe, nguy cơ vướng vòng lao lý, nguy cơ mất cân bằng sinh thái, “Cà phê Sơn Dã” có không gian xanh như quán cà phê, trưng bày và giới thiệu cũng như tổ chức các hoạt động tương tác, trải nghiệm như xem triển lãm tranh về ĐVHD, tìm hiểu và giải đáp các bộ câu hỏi về 6 loài ĐVHD quý hiếm cần được bảo vệ để nhận được quà, đồng thời vận động cùng với nhạc phẩm và màn vũ đạo hiện đại mô phỏng hành vi tiêu dùng và các nguy cơ gắn liền với tiêu thụ thịt rừng.

3.jpg

Người dân tham gia trả lời câu hỏi về ĐVHD

Có mặt tại chương trình trong sáng sớm 18/2 cùng con gái, chị Nguyễn Thị Bảo Trâm (39 tuổi, trú TP. Huế) tỏ ra hào hứng khi được tham quan, trải nghiệm “Cà phê Sơn Dã”.

“Mình đã cùng con tham gia giải đáp các câu hỏi về ĐVHD, được nhận quà tặng. Mình thấy hoạt động rất ý nghĩa, thú vị, giúp mình và con biết thêm các loài động vật quý hiếm, yêu thiên nhiên, môi trường hơn. Hi vọng sẽ có nhiều chương trình hay như thế này...”, chị Trâm chia sẻ.

4(1).jpg

Check – in cùng những khẩu hiệu ý nghĩa

Ban tổ chức cho biết, thông qua trải nghiệm “Cà phê Sơn Dã” kỳ vọng sẽ tạo ra được sự biến chuyển trong hiểu biết của người tham gia về môi trường sinh thái, về sức khoẻ, về pháp luật và cam kết ngưng tiêu thụ thịt ĐVHD từ cộng đồng. Với cách tiếp cận này, cộng đồng tham dự có thể nhận diện được các loài ĐVHD đang được bảo vệ theo các quy định pháp luật; những hành vi có nguy cơ vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD và sẽ chung tay cùng chính quyền địa phương nhân rộng thông điệp về tầm quan trọng của việc bảo vệ ĐVHD, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học tại tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng và trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

WWF đang hợp tác với Bộ NN&PTNT, chính quyền các tỉnh và các đối tác khác triển khai Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ. Hợp phần này hướng đến mục tiêu duy trì và tăng cường chất lượng rừng, bảo vệ và duy trì ổn định các loài động vật hoang dã ở những khu rừng có giá trị bảo tồn cao tại Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng và vườn quốc gia Cát Tiên, Cúc Phương, Vũ Quang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Nâng cao ý thức bảo vệ động vật rừng qua mô hình “Cà phê Sơn Dã”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO