Mưa lớn trở lại khiến Huế nguy cơ lũ chồng lũ |
Sáng 7/11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát đi công điện cảnh báo nguy cơ sẽ xảy ra một đợt lũ mới do mưa lớn.
Đến trưa 7/11, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa trên diện rộng. Lượng mưa từ 1h đến 4h ngày 7/11 đo được ở các trạm như sau: Thượng Nhật 33mm, Khe Tre 43mm, Kim Long 21mm, Truồi 35mm, A Lưới 39mm, Bạch Mã 71mm, TP. Huế 30mm...
Mưa lớn ở thượng lưu nên lũ trên sông Hương, sông Bồ đã lên trở lại và đang mức trên báo động 2 khoảng 0,6-0,7m.
Cụ thể, sông Hương tại Kim Long 2,82 m, dưới báo động 3 là 0,68m; Sông Bồ tại Phú Ốc 3,94 m, dưới báo động 3 là 0,56m; Sông Tả Trạch tại Thượng Nhật 58,95 m; Sông Ô Lâu tại Phong Bình 2,23 m; Sông Truồi tại Cầu Truồi 2,19m.
“Hiện mưa ở đồng bằng thành phố là rất lớn cộng với triều cường ở biển cao 1,8m nên nhiều nơi vẫn đang bị ngập...”- ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.
Nhiều ngôi nhà chìm trong biển nước |
Trong khi mưa lớn đang xảy ra trên diện rộng thì 2 hồ thủy điện lớn ở tỉnh Thừa Thiên Huế là Hương Điền và Bình Điền gần như đã mất chức năng cắt lũ, vì lượng nước về hồ bao nhiêu thì dường như xả đi bấy nhiêu.
Cụ thể, lúc 4h ngày 7/11 mực nước tại hồ thủy điện Hương Điền là 57,11m, lưu lượng nước đến hồ 711m3/s, lưu lượng nước đi 711m3/s. Tại hồ thủy điện Bình Điền mực nước đạt 84,74m, lưu lượng nước đến hồ 1.197,6m3/s, lưu lượng nước đi 1.190m3/s.
Trước nguy cơ lũ chồng lũ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là tại các khu vực thấp trũng, ven sông, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Các cơ quan, đơn vị cũng được yêu cầu tiếp tục triển khai các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, tổ chức dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch... để đối phó với nguy cơ lũ kéo dài.
Tổ chức phân luồng giao thông; cảnh báo cho người dân biết các khu vực đang thi công ở TP. Huế, khu vực nguy hiểm, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, các khu vực ngầm tràn nguy hiểm để phòng tránh các tai nạn có thể xảy ra. Tổ chức trực ban 24/24h để kịp thời có kế hoạch ứng phó với mọi diễn biến của thời tiết để thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
Theo thống kê từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, đến thời điểm hiện tại, lũ lụt đã làm cho trên 70.000 ngôi nhà bị ngập từ 0,2-0,8m, có nơi ngập sâu đến 1,5 m.
Hiện tại Thừa Thiên Huế đã có 9 người chết, 3 người bị thương do mưa lũ |
Mưa lũ cũng làm 9 người chết và 3 người bị thương. Tình trạng ngập úng xảy ra trên diện rộng, trong hầu hết địa bàn toàn tỉnh, nhiều tuyến đường bị chia cắt, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Toàn tỉnh đã sơ tán, di dời 2.248 hộ, 8.482 nhân khẩu để đối phó với mưa lũ.
Tại huyện Nam Đông, mưa lớn đã làm cho đèo La Hy thuộc xã Hương Phú bị sạt lở nhiều đoạn. Tại huyện A lưới 6 điểm sạt lở trên tuyến QL 49 và các tuyến đường liên thôn, cầu Chai 1, 2 thuộc xã Đông Sơn tiếp tục bị sạt mái taluy và sạt mố cầu...
Cũng theo ghi nhận của PV, về nông- lâm, đặc biệt là ngư nghiệp, tại Huế cũng chịu thiệt hại nặng. Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở vùng hạ du sông Bồ, Hương, Ô Lâu... cũng bị thiệt hại nặng do cá bị chết, lồng bè bị nước lũ cuốn trôi (thị xã Hương Trà: 322 tấn cá bị chết, trôi, huyện Phong Điền: 10 lồng cá bị trôi, nhiều tấn lúa và lạc bị ướt chưa thống kê được. huyện Phú Vang: 923 lồng cá bị thiệt hại, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập 2.096 ha; huyện Quảng Điền: Mưa lũ gây ngập úng 177 ha hoa màu vụ Đông, 19 lồng nuôi cá trên sông Bồ bị nước lũ cuốn trôi...).
Hiện tại Huế đang mưa rất to.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật.
Bài, ảnh:Văn Dinh