Thừa Thiên - Huế: Mưa lớn gây ngập lụt, nhiều nơi sạt lở

Văn Dinh| 23/10/2021 19:45

(TN&MT) - Mưa lớn hai ngày qua tại Thừa Thiên - Huế đã gây sạt lở, ngập lụt cục bộ nhiều khu vực trong tỉnh. Phương án khắc phục, chủ động ứng phó với mưa lũ đang được thực hiện.

Ngập lụt, sạt lở khắp nơi

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, hai ngày qua, do mưa cường suất lớn vùng đồng bằng đã gây ngập úng, ngập lụt cục bộ cho một số tuyến đường nội đô TP. Huế như Phạm Thị Liên, Phan Anh, Nguyễn Hữu Cảnh, Ngô Đức Kế, Đặng Dung, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Trãi...

Nhiều trường học ngập cục bộ

Hàng trăm nhà dân tại các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc và thị xã Hương Thủy, Hương Trà bị ngập lụt từ 0,2 - 0,5 m. Một số tuyến giao thông huyết mạch bị ngập sâu, các phương tiện giao thông không lưu thông được. Các tuyến đường liên xã, thôn bị ngập từ 0,3 - 0,6 m, đoạn ngập sâu đến gần 1 m.

“Toàn thôn bị ngập, người dân đi chợ, trẻ em đi học phải lội nước. Những gia đình có ghe đò thì thay nhau chèo chở giúp hàng xóm một đoạn đường”, ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Giáp Kiền, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) vừa chèo đò đưa vợ, con và người dân trong thôn đi lại vừa chia sẻ.

Mưa lớn trên địa bàn tỉnh cũng gây ra tình trạng sạt lở đất. Cụ thể, 2 tuyến đường liên thôn Hạ Long (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) bị sạt lở với chiều dài khoảng 40 m. Tuyến đường thôn Tân An (xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) sạt lở đất tại vị trí Km 96+170. UBND xã Lộc Bình đã tiến hành di dời 33 hộ với 120 khẩu vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn.

Tình trạng sạt lở còn xảy ra ở tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện A Lưới; đường QL 49 và tuyến QL 1A- Đỉnh Bạch Mã (thuộc xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, thuộc Vườn Quốc gia Bạch Mã).

Khắc phục sạt lở đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện miền núi A Lưới

Trong khi đó, mưa lớn trong những ngày qua tiếp tục làm sạt lở nhiều điểm trên khu vực biển, các con sông lớn. Cụ thể, sạt lở sông Bồ qua địa bàn các phường, xã Hương Vân, Hương Xuân (thị xã Hương Trà), Quảng Phú, Quảng An (huyện Quảng Điền) với chiều dài 3,5 km; sụt lún trên sông Hương qua phường Hương Hồ (TP. Huế) khoảng 100 m, làm nguy cơ ảnh hưởng đến các tuyến giao thông và mất đất sản xuất nông nghiệp dọc các con sông này.

Ngoài ra, nước biển tràn, gây sạt lở đoạn qua thôn Tân An (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) trên chiều dài 1 km. Đến nay Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã điều động các chiến sỹ của Đồn BP cửa khẩu cảng Thuận An và Hải đội 2 phối hợp với lực lượng địa phương sử dụng bao tải và phương tiện xử lý, gia cố tạm thời điểm sạt lở tại này.

Chủ động ứng phó

Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã ra thông báo cảnh báo khẩn cấp đối với 7 địa điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao sẽ xảy ra ở các tuyến đường: tuyến 71 từ Phong Xuân đến Thủy điện Rào Trăng 3, A Lin B2, A Lin B1 (huyện Phong Điền); xã Hương Bình, Bình Thành, Bình Tiến, Hương Văn, Hương Vân (Hương Trà); Đoạn đèo A Co trên tuyến QL 49A, đường Hồ Chí Minh, đường C5 xã Hương Phong (huyện A Lưới); Dọc tuyến đường tránh Huế (Hương Thủy) và phường An Tây, xã Thủy Bằng, xã Hương Phong, Hương Hồ, Hương Thọ (TP. Huế).

Mức cảnh báo nguy cơ rất cao là các tuyến cao tốc La Sơn – Túy Loan (huyện Nam Đông); Đèo Phước Tượng, Phú Gia, Hải Vân, QL 1A đến đỉnh Bạch Mã, QL 1A đến cảng Chân Mây; đường ven biển mũi Chân Mây Đông, Cù Dù (Lộc Vĩnh), khu vực Hói Mít, Hói dừa (huyện Phú Lộc).

Lực lượng chức năng kiểm tra tình hình mưa lũ

Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của mưa lũ, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có công điện yêu cầu UBND các huyện, thị xã và TP Huế tổ chức triển khai sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực thấp trũng, ngập úng đô thị trọng điểm. Lên phương án di dân trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Chỉ đạo các phòng ban chức năng, các địa phương rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn.

Yêu cầu Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã và TP. Huế tăng cường theo dõi sát diễn biến của mưa lũ, tăng cường chỉ đạo các trường học đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên; các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu; đảm bảo an toàn tại các khu cách ly y tế.

Cơ quan chức năng dự báo, mực nước trên sông Hương tại Kim Long và sông Bồ tại Phú Ốc có khả năng lên trên báo động II, đến trên báo động III, các sông khác trong tỉnh sẽ dâng cao, khu vực ven biển mức triều khá cao làm chậm khả năng thoát lũ và gây ngập úng kéo dài. Tình hình mưa lớn có thể tiếp tục diễn biến phức tạp cho đến ngày 28/10.

Hiện tại theo ghi nhận của PV, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn đang có mưa vừa, mưa to.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế: Mưa lớn gây ngập lụt, nhiều nơi sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO