Trước đây, nghề bún ở Vân Cù luôn trong tình trạng ô nhiễm |
Quá khứ ô nhiễm
Làng bún Vân Cù có lịch sử hàng trăm năm. Làng hiện có gần 50% số hộ trực tiếp làm nghề sản xuất bún, số hộ còn lại cũng tham gia vào việc cung cấp nguyên vật liệu, đưa bún ra khắp các huyện, thành phố tiêu thụ. Mỗi ngày, các lò bún ở đây cung cấp cho thị trường hàng chục tấn bún các loại. Chưa kể các dịp lễ, tết phải tăng gấp đôi công suất.
Nghề bún phát triển đã góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho các hộ gia đình ở đây. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà khâu vệ sinh môi trường sống không được chú trọng khiến làng bún bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Người dân kể lại, ngày ấy nếu ai đến đầu làng, chắc chắn sẽ ngửi thấy mùi hôi chua của nước gạo, nước bún cứ xộc thẳng vào mũi. Nước thải từ các lò bún chảy lênh láng dọc các tuyến mương hai bên đường, các ao tù nổi màu đen đục, bốc mùi rất khó chịu. Vậy nên, cửa nhà dân lúc nào cũng phải khóa kín mít mà vẫn không ngăn nổi mùi hôi. Số lượng người dân mắc các bệnh về đường hô hấp và da liễu cứ ngày một tăng cao.
Cũng theo các vị cao niên, từ ngày đưa các loại máy móc hiện đại vào sản xuất thì lượng chất thải chưa qua xử lý cũng tăng đột biến. Một hộ dân cho hay: “Lúc trước không có chỗ nào để thải chất bẩn nên cứ đổ ra ao hồ mà thôi. Vì thế mùi hôi tỏa ra khắp làng, không chịu được...”.
Dù rất ô nhiễm nhưng vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo nên người dân Vân Cù vẫn cố gắng chịu đựng suốt một thời gian dài. “Lúc trước nước làm bún phủ bọt trắng xóa, chảy lênh láng ra các ao, hồ và đồng ruộng, tích tụ lâu ngày bốc mùi hôi kinh khủng. Chính vì vậy mà nhiều người trong làng đã mắc các bệnh về đường hô hấp”- ông Nguyễn Văn Xiêm (làng Vân Cù) nói.
Làng bún “lột xác”
Được sự vận động của các cấp, những năm trở lại đây, người làm bún ở Vân Cù đã rất chú trọng đến khâu xử lý nước thải, bảo vệ môi trường. Các con đường trong làng đều được xây dựng cống rãnh để thoát nước thải, hầu hết các hộ gia đình đều đầu tư xây dựng bể lắng lọc nên đã hạn chế được tình trạng ô nhiễm.
Hiện làng bún đã “lột xác” bởi người dân đã làm tốt khâu bảo vệ môi trường |
Nhà ông Nguyễn Xuân No là một trong những hộ làm bún lâu đời và quy mô lớn ở làng. Để không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, ông đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải trị giá 4,5 triệu đồng.
Theo thiết kế, mỗi hệ thống xử lý nước thải sẽ gồm 2 bể lọc, một bể có diện tích lớn hơn đề lắng động nước thải có chứa các chất cặn bã, bể còn lại có thể tích nhỏ hơn sẽ chứa nước sau lắng lọc, khi đạt tiêu chuẩn mới được cho ra môi trường.
“Giờ đây làm bún không còn phải vất vả như trước nữa. Gia đình tôi cung cấp ra thị trường trên 300kg bún tươi mỗi ngày. Sau khi trừ các chi phí cũng cho lãi vài trăm ngàn đồng, cuộc sống gia đình ổn định hơn nhiều...”- ông No bộc bạch.
Bên cạnh đó, làng nghề bún Vân Cù đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để nghề phát triển bền vững như: tìm kiếm thông tin về giá cả, thị trường; nguồn cung cấp nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ hội viên nắm bắt các kiến thức pháp luật và ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Ngoài ra, xã Hương Toàn còn tổ chức thu gom các loại rác thải, bào bì nilon phát sinh trong qua trình sản xuất bún. Nhờ vậy, tình hình ô nhiễm mỗi trường tại đây đã được khắc phục một cách tối đa nhất.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tích- Chủ tịch Hội làng nghề bún Vân Cù vui vẻ nói, hiện 80% số hộ có sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi và 100% số hộ đã xây dựng bể lắng, lọc trước khi xả thải ra mương xử lý. Tình trạng ô nhiễm môi trường cơ bản được giải quyết. Chính điều này đã trở thành động lực lớn tạo nên sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ cho làng nghề bún Vân Cù.
Được biết, làng bún Vân Cù đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2014. Sau khi được công nhận cùng việc thoát khỏi tình trạng ô nhiễm, tiếng tăm làng nghề được vang xa hơn, tạo cơ hội giúp bún Vân Cù khẳng định thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.
Bài & ảnh:Thế Anh