Thừa Thiên Huế: Kinh tế khởi sắc từ nghề nấu tinh dầu tràm

24/07/2019 13:33

(TN&MT) - Dầu tràm Huế được xem như một “thần dược”, với phương pháp gia truyền mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đây luôn là sản phẩm không thể thiếu đối với người tiêu dùng tại địa phương và cả du khách khi đến Cố đô tham quan. Cũng nhờ nghề nấu dầm tràm mà đời sống của người dân Huế ngày càng đi lên...

Người dân Huế thu hoạch cây tràm gió để mang về nấu tinh dầu tràm
Người dân Huế thu hoạch cây tràm gió để mang về nấu tinh dầu tràm

Theo người dân kể lại, nghề nấu dầu tràm ở Huế có từ rất lâu đời, từ thời vua chúa để lại. Thuở bấy giờ, dầu tràm là thứ dược liệu xức ngoài da duy nhất mà người Việt có được để tiến vua trong những dịp đầu mùa Đông, khi cái lạnh đến. Và vị tổ của nghề dầu tràm không phải là người Đàng Trong và nghề của họ lúc đó là nghề nấu dầu sả. Nhưng họ theo chúa Nguyễn Hoàng trôi dạt vào Thuận Hóa và sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu cây cỏ ở đây, họ phát hiện cây tràm có hàm lượng dầu rất cao, tính năng thần dược. Nghề nấu dầu tràm bắt đầu từ đó.

Tìm hiểu được biết, hiện nay trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 200 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất- kinh doanh dầu tràm với gần 60 lò chưng cất, sản lượng tinh dầu khoảng 16.000 lít/năm, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Phú Lộc và Phong Điền, đa số là loại nhỏ (khoảng 1-2 tạ nguyên liệu) và có một số cơ sở sử dụng lò chưng cất loại lớn.

Tinh dầu tràm được chiết xuất từ cây tràm gió thiên nhiên với mùi hương dịu nhẹ, có tính dược liệu cao, đặc biệt rất tốt cho đối tượng tương đối nhạy cảm như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và sau khi sinh, nên tinh dầu tràm Huế càng trở nên giá trị đối với người tiêu dùng.

Trong thời gian qua, các cơ sở sản xuất kinh doanh dầu tràm trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã tăng cường khai thác nguyên liệu tràm tự nhiên, một số cơ sở đã nâng cấp lò chưng cất, đầu tư xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu và ứng dụng nhiều hình thức kinh doanh để mở rộng thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.

Cũng theo số liệu khảo sát, trên thị trường địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 50% sản lượng dầu tràm đã đóng chai (dung tích 40ml; 50ml; 80ml; 100ml) với giá khoảng từ  1 - 1,8 triệu đồng/lít (một số cơ sở đã chế biến dưới dạng cao dầu tràm) và khoảng 50% dầu tràm được bán dưới dạng nguyên liệu (chưa đóng chai) với giá khoảng 750 - 800 nghìn đồng/lít. Việc kinh doanh sản phẩm dầu tràm được thực hiện nhiều hình thức bán sỉ (chiếm khoảng 50% tổng sản lượng dầu được sản xuất), bán lẻ và bán hàng qua mạng.

Để tạo ra tinh dầu tràm không phải là điều dễ dàng
Để tạo ra tinh dầu tràm không phải là điều dễ dàng

Theo thống kế của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Lộc, toàn huyện có trên 90 hộ sản xuất và kinh doanh dầu tràm, trong đó riêng xã Lộc Thủy có 52 hộ tham gia sản xuất và kinh doanh, xã Lộc Tiến có 39 hộ sản xuất và kinh doanh, thị trấn Lăng Cô có 111 hộ kinh doanh.

Thời điểm này, dọc theo quốc lộ 1 đoạn qua xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc), chắc chắn ai ai cũng thấy những lò nấu dầu tràm nghi ngút khói bên đường cùng những quầy hàng bán dầu tràm với những mẫu chai, nhãn hiệu mới của những thành viên trong HTX Dầu tràm Lộc Thủy.

Thông thường những tháng mùa hè là lúc cao điểm chưng cất, tinh luyện dầu tràm, bởi nguồn nguyên liệu mùa này dồi dào hơn, chất lượng tinh dầu trong cây tràm cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm. Những bao nguyên liệu được người dân địa phương đi thu gom từ khắp vùng Lộc Thủy, Lộc Tiến, và xa hơn là Phong Điền, Quảng Trị… vì nguyên liệu tại chỗ không đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến dầu tràm để cung cấp trên thị trường.

“Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí từ các nguồn khuyến công, Sở Khoa học và Công nghệ, thực hiện đề án khôi phục và phát triền làng nghề dầu tràm Lộc Thủy do huyện Phú Lộc thực hiện đã từng bước xây dựng được thương hiệu, mẫu mã sản phẩm mang tính độc quyền trên thị trường với thương hiệụ “Dầu Tràm Lộc Thủy”. Qua đó, đã khôi phục và phát triển vùng nguyên liệu, tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, quản lý và quảng bá sản phẩm cho người dân”- ông Trần Văn Minh Quân, Trưởng Phòng Kinh tế -Hạ tầng huyện Phú Lộc cho biết.

Cũng tại địa phương này, HTX Dầu tràm Lộc Thủy đang từng bước đầu tư và phát triển thương hiệu “Dầu tràm Lộc Thủy”, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng chứng nhận xuất xứ hàng hóa vào năm 2011.

Nhiều cơ sở dầu tràm dọc quốc lộ 1A đoạn qua huyện Phú Lộc, là địa chỉ thường xuyên của khách đi đường
Nhiều cơ sở dầu tràm dọc quốc lộ 1A đoạn qua huyện Phú Lộc, là địa chỉ thường xuyên của khách đi đường

“Hiện HTX có 25 thành viên với hơn 30 lò chưng cất, sản lượng tinh dầu tràm chiết xuất được khoảng 30 lít dầu/ngày. Các thành viên sử dụng nguyên liệu đầu vào theo quy chế hoạt động của HTX cũng như việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Dầu tràm Lộc Thủy” cũng được chúng tôi quản lý. Chúng tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu nhằm đảm bảo uy tín, thương hiệu, nghiêm cấm các thành viên trà trộn hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vào chế biến và kinh doanh. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do cơ chế thị trường, hàng giả, kém chất lượng vẫn còn trôi nổi, tuy nhiên với mục tiêu hướng đến khách hàng, đảm bảo chất lượng và uy tín, các thành viên trong HTX vẫn luôn duy trì và cam kết theo quy chế hoạt động của HTX để sản xuất và kinh doanh. Giá trị kinh tế đạt được ước tính hơn 4,5 tỷ đồng mỗi năm”- ông Trương Viết Đính, Giám đốc HTX chia sẻ.

Tại huyện Phong Điền, một trong những địa phương nổi tiếng về dầu tràm cũng đang từng bước quy hoạch và phát triển thương hiệu dầu tràm Huế.

Cơ sở sản xuất và kinh doanh tinh dầu tràm Thiện Nhân ở thôn Phường Hóp (xã Phong An, huyện Phong Điền) hiện có 2 lò chưng cất với công suất 1,2 tấn nguyên liệu. “Gia đình tôi có 18 năm trong nghề, tôi được kế thừa từ kinh nghiệm của người cha nên đến nay vẫn tiếp tục duy trì sản xuất và đang cố gắng để cải tiến và nâng cấp hệ thống lò chưng cất đạt hiệu quả hơn. Cơ sở chúng tôi sản xuất một năm ước tính gần 2.400 lít dầu tràm. Mỗi lít bán ra thị trường dao động từ 1,5 - 1,8 triệu đồng tùy theo giá nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, cơ sở của tôi cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người với mức lương bình quân 7 triệu đồng/tháng”- anh Trần Ngọc, chủ cơ sở thổ lộ.

Thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phong Điền, tại địa phương có 15 lò chưng cất với sản lượng 10.000 lít dầu tràm/năm. Gần 300ha nguyên liệu tràm gió nằm rải rác tại các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương...

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phong Điền, phần lớn sản phẩm của các cơ sở phân phối ra các tỉnh thành ở phía Bắc và một số tỉnh ở Tây Nguyên. Tuy số lượng không nhiều như ở Phú Lộc, nhưng sản lượng tinh dầu tràm chế biến khoảng 10.000 lít mỗi năm, giá trị kinh tế đạt được khoảng 10 tỷ đồng. Hiện phòng đang đợi chủ trương của tỉnh về thương hiệu chung của dầu tràm Huế để có những định hướng phát triển sắp tới cho người dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Kinh tế khởi sắc từ nghề nấu tinh dầu tràm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO