Tham dự lễ có ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông (TT&TT); ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam Vinasa, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế, hơn 50 diễn giả, hơn 1.000 lượt đại biểu, hơn 3.000 khách tham quan đến từ lãnh đạo các bộ ngành Trung ương như Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo các địa phương và lực lượng nòng cốt là các doanh nghiệp cung cấp giải pháp số và các doanh nghiệp ứng dụng đa ngành nghề của tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành.
Phát biểu khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số 2022 (CĐS), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương đi đầu trong công tác CĐS. Hàng loạt các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh năm 2021 đều nằm trong nhóm đầu của cả nước: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp vị trí số 1 toàn quốc; Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT ICT xếp thứ 2 toàn quốc; Chỉ số CĐS DTI xếp thứ 2 toàn quốc; Chỉ số cải cách hành chính PAR Index xếp thứ 4 toàn quốc năm 2021. Liên tục trong 2 năm 2020, 2021 chỉ số CĐS cấp tỉnh của Thừa Thiên - Huế đều giữ vững ở vị trí thứ 2 toàn quốc.
“Đạt được những kết quả tích cực đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân trong công tác triển khai xây dựng chính quyền điện tử, CĐS trên địa bàn. Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2022 kỳ vọng sẽ có được những tham vấn, xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong giai đoạn mới của Thừa Thiên - Huế nói riêng, chuyển đổi số - phát huy sức mạnh văn hóa – di sản... Bên cạnh đó, diễn đàn cũng hướng đến đưa công tác chuyển đổi số đến các cơ quan, doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả thông qua các chương trình tư vấn chuyển đổi số, chia sẻ kinh nghiệm, và trải nghiệm các giải pháp số. Đồng thời mong muốn giới thiệu hình ảnh một điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư về công nghệ thông tin triển khai các hoạt động đầu tư trên địa bàn”, ông Phương nói.
Tại Tuần lễ năm nay, lần đầu tiên Thừa Thiên - Huế tổ chức riêng phiên hội nghị về chuyển đổi số phát huy sức mạnh văn hóa, di sản để tiếp tục tìm kiếm giải pháp công nghệ giúp bảo tồn, phổ biến, nâng tầm các giá trị văn hóa, di sản Huế, tiến tới tạo ra dịch vụ mới, mô hình kinh tế mới cho tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao tinh thần triển khai chiến lược CĐS của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế qua chương trình tuần lễ này, thể hiện quyết tâm cao tinh thần thúc đẩy mạnh CĐS của toàn tỉnh để đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị trong việc sớm đưa Thừa Thiên -Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ trưởng nhấn mạnh rằng CĐS cần có nhiều mô hình công nghệ số khác nhau, không những mô hỉnh ở cấp tỉnh, huyện mà còn cả cấp xã. Bộ đã tổng hợp các mô hình, câu chuyện hay và công bố trên mạng để các địa phương tham khảo. Trong chuyển đổi số, ứng dụng CNTT thì tỉnh Thừa Thiên – Huế có một triết lý riêng của mình, rất hay. Ví dụ như bắt buộc trước, tự nguyện sau. Tại sao phải bắt buộc trước, vì nó khá mới với tất cả mọi người, nếu không bắt buộc thì chẳng ai dùng. Khi bắt buộc mọi người dùng thì phải cho họ thấy được lợi ích, không thể bỏ được nên tự nguyện dùng...
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đưa ra thông điệp cho Huế xây dựng xã hội số Hue - S và có chiến lược phù hợp, tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực CĐS trên địa bàn để tiếp tục khẳng định Thừa Thiên - Huế là địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện CĐS.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng ghi nhận những thành tựu của Huế trong CĐS nhờ 5 điểm: Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ lãnh đạo cao cấp nhất; Triển khai đồng bộ và xuyên suốt ở 3 cấp tỉnh – huyện – xã; Thực hiện nguyên tắc: Bắt buộc trước, tự nguyện sau; Triển khai một nền tảng, nhiều ứng dụng, nhiều đối tác và xây dựng được một Sở TT&TT mạnh quản lý các nền tảng, các đối tác hiệu quả.
“Với thực tiễn và lý luận đã có, Thừa Thiên -Huế cùng với Bộ TT&TT sẽ từng bước kiến tạo một mô hình CĐS cấp tỉnh điển hình lấy người dân làm trung tâm phát triển kinh tế xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, qua đó để các địa phương khác cùng tham khảo, đồng thời cùng chung tay phát triển quốc gia số...”, ông Dũng đề xuất.
Thứ trưởng Dũng cho biết thêm đã biên soạn tài liệu để tập huấn tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện 5 nhiệm vụ: “Đi từng ngõ gõ từng nhà” hướng dẫn từng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tạo lập tài khoản thanh toán, mua sắm trực tuyến; sử dụng kỹ năng bảo đảm an toàn ở mức cơ bản để bà con khi lên mạng không bị lừa đảo; sử dụng nền tảng do các địa phương lựa chọn như đặt vé xe, đọc sách trực tuyến… Hiện có khoảng 200.000 người tham gia tổ công nghệ số cộng đồng, họ sẽ được huấn luyện trở thành các sứ giả phổ biến kỹ năng số đến người dân, qua đó sẽ góp phần tích cực cho mục tiêu kinh tế số và xã hội số.
Tại chương trình, các diễn giả - là lãnh đạo cơ quan quản lý, các chuyên gia chuyển đổi số, và lãnh đạo tập đoàn công nghệ số hàng đầu Việt Nam: Mobifone, VNPT, Viettel, FPT, FSI… đã tập trung bàn thảo, chia sẻ và tham vấn về 3 vấn đề: Kế hoạch chuyển đổi số Huế giai đoạn 2022 – 2025, phát triển các hạ tầng chuyển đổi số Huế đặc biệt là hạ tầng dữ liệu, và các mô hình hợp tác hiệu quả giữa chính quyền và doanh nghiệp. Chuyên đề đã giúp cho các cấp, các ngành, không chỉ của Thừa Thiên -Huế mà các địa phương tiếp cận được định hướng, chiến lược chuyển đổi số quốc gia, phương pháp chuyển đổi số địa phương phù hợp thực tiễn và theo tình hình mới, làm cơ sở hoạch định chính sách và kế hoạch chuyển đổi số các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp công nghệ cho rằng sẵn sàng đồng hành cùng Huế xây dựng chiến lược quản lý dữ liệu.
Tại phiên toàn thể cũng đã diễn ra lễ ký biên bản hợp tác chiến lược. Theo đó, 10 biên bản ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp và các sở, ngành của Thừa Thiên - Huế bao gồm: Du lịch, Nông nghiệp, Giáo dục, Y tế, Văn hóa, Du lịch, Thông tin và truyền thông, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.
Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2022 được diễn ra trong 3 ngày từ ngày 17/8 – 19/8 với đa dạng các hoạt động như 6 chuyên đề, 3 tọa đàm chuyên sâu, triển lãm các nền tảng giải pháp số, tư vấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ký kết hợp tác chuyển đổi số...