Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh trống khai hội |
Lễ hội đền Huyền Trân được tổ chức vào hai ngày mùng 8 và 9 tháng Giêng, song để người dân và du khách có điều kiện dâng hương, Ban tổ chức đã quyết định kéo dài thời gian đến hết ngày 12/2 (tức ngày 16 tháng Giêng âm lịch), trong đó ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch sẽ mở cửa miễn phí.
Lễ hội diễn ra tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân, tọa lạc tại núi Ngũ Phong (TP. Huế) với chủ đề “Ngưỡng vọng Tiền nhân”.
Đây là hoạt động nhằm tưởng nhớ công lao mở mang bờ cõi của công chúa Huyền Trân. Lễ hội thu hút sự tham dự của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tăng ni phật tử, các chức sắc tôn giáo và du khách.
Tại lễ hội đền Huyền Trân có Đại lễ cầu nguyện “Quốc thái dân an”, múa hội hoa đăng, ca múa nhạc Phật giáo; nghi lễ dâng hương tại điện Huyền Trân công chúa, đền thờ vua Trần Nhân Tông...
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại lễ hội |
Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn có các triển lãm, trưng bày và giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống Huế, các trò chơi dân gian như: cờ tướng, cờ người, võ thuật cổ truyền, hò giã gạo, nghệ thuật ca múa, vẽ chân dung, thi cắm hoa...
Chị Trần Thị Thu Nga, đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Dịp này trúng vào cuối tuần nên tôi rủ cả nhà ra Huế tham gia vì lễ hội này rất ý nghĩa. Trước hết là mình tưởng nhớ bậc các tiền nhân đã khuất, sau đó để dạy con cháu nếp sống, văn hóa của người Việt”.
Ông Phan Tiến Dũng- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong mở mang bờ cõi.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Lễ hội:
Một hoạt cảnh tại lễ hội |
Kiệu rước Công Chúa Huyền Trân |
Đông đảo người dân và du khách đến tham dự |
Lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của công chúa Huyền Trân |
Bài & ảnh:Thế Anh – Quỳnh Anh