Cách đây khoảng 10 năm, đường Trịnh Tố Tâm được Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn dư từ dự án hầm đường bộ Hải Vân (nối Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng) để đầu tư xây dựng, với tổng trị giá 108 tỷ đồng.
Đường dài khoảng 10,8 km, chạy ven phía Tây đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô), nối Quốc lộ 1A từ nam đèo Phú Gia, điểm cuối cùng nối với Quốc lộ 1A ở nam cầu Lăng Cô.
Nhiều đoạn của đường phía Tây đầm Lăng Cô hư hỏng |
Tuyến đường ra đời giải quyết triệt để tình trạng ốc đảo cô lập của bộ phận dân cư phía Tây thị trấn Lăng Cô (thôn Hói Mít, Hói Dừa), tạo điều kiện thu hút khách du lịch... Công trình được giao cho Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (nay là Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế) quản lý và vận hành.
Tuy nhiên, sau các trận mưa bão liên tiếp vào cuối năm 2020, nhiều đoạn nền đường, mái ta luy, lan can bị đánh sập, gây mất an toàn giao thông.
Ghi nhận của PV, tuyến đường chạy men theo bờ đầm phá xuất hiện khoảng chục điểm sạt trượt taluy, nứt nẻ nền đường. Nhiều đoạn xuất hiện hố sâu sụt xuống kéo theo dãy lan can đường trôi tuột xuống bờ phá.
Đặc biệt, tại cầu Hói Dừa (KM12+351) xuất hiện tình trạng xói lở mố cầu bên phải, tạo hố sâu. Ngay cạnh mố cầu xói lở, hoạt động tập kết, khai thác cát gần đó cũng ảnh hưởng, gây hư hỏng nặng thêm cho mố cầu này.
Người dân cho hay trước đây con đường ít hư hỏng, chủ yếu xảy ra tình trạng mất cắp các thiết bị hộ lan, tuy nhiên sau các đợt mưa bão vừa rồi, đặc biệt là cơn bão số 13 với gió to gây sóng lớn và thủy triều quá cao mới làm hư hỏng nặng nề như vậy.
Mặt đường đứt, gãy... |
Theo Trung tâm Quản lý khai thác hạ tầng Khu kinh tế, công nghiệp (Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh), nguyên nhân tuyến đường hư hỏng là do các trận bão, lụt liên tiếp vào cuối năm 2020, nhất là cơn bão số 13 vừa rồi dưới tác động kép của gió trên đất liền vùng ven biển, kéo dài liên tục trong khoảng 20 giờ kết hợp thủy triều cao bất thường gây thiệt hại cho tuyến đường.
Ngay sau khi xuất hiện tình trạng xuống cấp, đơn vị quản lý triển khai công tác khắc phục nhằm đảm bảo an toàn giao thông tạm thời. Cụ thể, Trung tâm Quản lý khai thác hạ tầng Khu kinh tế, công nghiệp này đã cho giăng dây phản quang, đặt các điểm cảnh báo, báo hiệu, rào chắn tại những điểm hư hỏng, sạt trượt và tiến hành đổ đá dăm, vá tạm những điểm hư hỏng, sụt lún.
Ông Đặng Phúc Hiền - Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác hạ tầng Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cho hay, đến nay đơn vị này đã hoàn thiện thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư sửa chữa tuyến đường Tây đầm Lập An với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn khắc phục lụt bão.
Trong thời gian chờ UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, Trung tâm Quản lý khai thác hạ tầng Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh tiến hành đổ đá nhiều điểm, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến. Dự kiến, sau khi được phê duyệt, công tác nâng cấp khắc phục tuyến đường sẽ được triển khai và hoàn thành trong 1 tháng.