Rừng tại Thừa Thiên Huế bị đốn hạ, đốt cháy |
Giảm hơn 800ha rừng
Báo cáo từ Sở NN&PTNN Thừa Thiên Huế cho hay, năm 2018, diện tích rừng tự nhiên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế là 212.180,45 ha; năm 2019, diện tích rừng tự nhiên toàn tỉnh là 211.373,11 ha, giảm 807,34 ha so với năm trước.
Trong đó, phân theo nguyên nhân biến động bao gồm: Cháy rừng 0,14 ha (diện tích rừng bị cháy là rừng gỗ tự nhiên, thuộc xã Hương Giang và Thượng Lộ của huyện Nam Đông, chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn Phú Ninh và La Hố). Phá rừng trái pháp luật, lấn chiếm rừng làm giảm 10,35ha nằm trên địa bàn các huyện A Lưới (1,87 ha), Nam Đông (7,25ha), Phong Điền (0,78ha), Phú Lộc (0,4ha) và Phú Vang (0,5ha), trong đó gồm 7ha rừng gỗ tự nhiên và 3,35 ha rừng hỗn giao gỗ - tre nứa tự nhiên. Sạt lỡ gây mất diện tích rừng gỗ tự nhiên 11,26ha, nằm trong khu vực làm đường 74, xã Thượng Quảng (huyện Nam Đông), chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông.
Rừng thông tại TP. Huế bị chặt phá |
Mặt khác,do sai khác dữ liệu hiện trạng rừng giữa kết quả kiểm kê rừng năm 2016 với thực tế nên phải điều chỉnh làm giảm 785,59ha. Sai khác dữ liệu giữa hiện trạng rừng tại bản đồ kiểm kê rừng năm 2016 và hiện trạng rừng năm 2018 và phải điều chỉnh hiện trạng sai khác này khiến cho diện tích rừng tự nhiên mất đi nhưng diện tích đất trống (+391,59ha) và diện tích rừng trồng (+394ha) tăng lên. Phần diện tích sai khác hiện trạng này thuộc địa bàn 6 huyện, thị xã là: A Lưới (187,28ha), Nam Đông (176,27ha), Phong Điền (233,52ha), Phú Lộc (78,26ha), Hương Thủy (22,05ha), Hương Trà (88,21ha). Phân theo chủ rừng thì tại các ban quản lý rừng phòng hộ (174,58 ha), tại các ban quản lý rừng đặc dụng (11,86 ha), tại các công ty lâm nghiệp (107,47 ha), tại các cộng đồng dân cư quản lý (79,01 ha), tại các khu rừng do hộ gia đình, cá nhân quản lý (220,8 ha), tại các diện tích rừng tạm giao cho UBND các xã quản lý (101,87).
Về loại rừng, trong 785,58ha rừng tự nhiên sai khác hiện trạng, có 663,01 ha rừng gỗ tự nhiên, 118,39 ha rừng hỗn giao gỗ và tre nứa tự nhiên và 4,19 ha rừng tre nứa.
Thừa Thiên Huế có diện tích rừng tự nhiên lớn |
Nguyên nhân do đâu?
Sở NN&PNTT Thừa Thiên Huế cho biết, việc sai khác hiện trạng rừng tự nhiên chủ yếu do 2 nguyên nhân.
Nguyên nhân thứ nhất là căn cứ Thông tư liên tịch số 12/2014/TTLT-BNNPTNT ngày 24/1/2014 của liên Bộ Tài chính - Bộ NN&PTNT hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 – 2016, quá trình kiểm kê rừng năm 2016 tại tỉnh không thực hiện kiểm kê các diện tích rừng đã nằm trong phạm vi chi trả dịch vụ môi trường rừng mà chỉ kế thừa số liệu (hồ sơ, bản đồ) của Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng tỉnh chứ không thực hiện điều tra, đo đếm và thực hiện kiểm kê như các diện tích khác. Do nguyên nhân này nên có 495,63ha rừng tự nhiên được ghi nhận trên dữ liệu kiểm kê nhưng thực tế là rừng trồng và đất trống (chiếm 63,09%).
Nguyên nhân thứ hai là theo quy trình kiểm kê rừng, việc kiểm kê rừng tại các địa phương dựa trên kết quả điều tra rừng được Viện Điều tra Quy hoạch rừng - đơn vị tư vấn Trung ương bàn giao. Tuy nhiên, kết quả điều tra này cũng có nhiều sai khác do nhiều lý do kỹ thuật khác nhau khiến việc kiểm kê mặt đất (chỉ chọn mẫu ngẫu nhiên 10% để kiểm chứng lại hiện trạng rừng) cũng bị sai khác so với thực tế. Do lý do này nên có 289,96ha rừng tự nhiên được ghi nhận trên dữ liệu kiểm kê nhưng thực tế là rừng trồng.
Nhiều trạm bảo vệ rừng dựng nên để chống “lâm tặc” |
Cũng theo lý giải cuả Sở NN&PTNT, sai lệch hiện trạng rừng tự nhiên toàn tỉnh như trên chiếm tỷ lệ 0,4%, nằm trong sai số cho phép của công tác kiểm kê rừng (theo Quyết định số 689/QĐ-TCLN-KL ngày 23-12-2013 của Tổng cục Lâm nghiệp về ban hành bộ tài liệu tập huấn hướng dẫn kỹ thuật điều tra, kiểm kê rừng thì: tỉ lệ sai số bình quân cho phép của kiểm kê rừng đối với chỉ tiêu tên trạng thái rừng là 2%).
Cũng theo Sở NN&PTNT, hiện nay, nhằm tiến tới xây dựng một bộ cơ sở số liệu và bản đồ số hiện trạng rừng toàn tỉnh ngày càng chính xác hơn, sát với thực tế hơn, Sở đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các đơn vị chủ rừng tiếp tục rà soát hiện trạng rừng cũng như cập nhật các biến động bằng các phần mềm chuyên dụng để có kết quả chính xác, minh bạch nhất, cũng như phòng ngừa việc xâm lấn tài nguyên rừng gây mất rừng.