Sở LĐTB&XH Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai đến các sở ngành và địa phương, sở LĐTB&XH đã triển khai nhiều giải pháp, thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ, tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Đã có 14/14 đơn vị ban hành kế hoạch, tổ chức hướng dẫn, triển khai rà soát, thống kê số lượng, dự ước kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ thuộc lĩnh vực quản lý.
Về nhóm 1, nhóm do cơ quan Bảo hiểm xã hội và Ngân hàng chính sách xã hội giải quyết hoặc chi trả, hiện nay toàn tỉnh đã thực hiện xong việc giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh từ 1/7/2021 đến 30/6/2022 (thuộc nhóm 1) cho 1.633 đơn vị, doanh nghiệp với 113.076 người lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với tổng số tiền 36.273 triệu đồng.
Người lao động đang gặp khó do đại dịch COVID – 19 đang được hỗ trợ |
Đối với nhóm 2 (Nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ địa phương 60% mức thực chi, 40% còn lại do các địa phương) và nhóm 3 (100 % ngân sách địa phương), qua thống kê rà soát, dự kiến nhu cầu kinh phí để thực hiện chính sách cho nhóm 2 là 22,41 tỷ đồng và cho nhóm 3 là 45,02 tỷ đồng, tổng kinh phí địa phương dự kiến phải đảm bảo để chi chính sách là 53,984 tỷ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị COVID-19 (F0), cách ly y tế (F1), theo số liệu rà soát của Sở Y tế Thừa Thiên Huế, tính từ ngày 28/4 đến hết 4/8, toàn tỉnh có 65 F0, 1.119 F1, trong đó có khoảng 90 đối tượng là trẻ em. Các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục rà soát, thiết lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, nắm bắt số lượng, ngành nghề, trình độ tay nghề đối với lao động làm việc ngoài tỉnh trở về phối hợp với các công ty, doanh nghiệp như Công ty Scavi Huế, Công ty dệt may Thiên An Phát, Thiên An Phú, Công ty quốc tế Hello, HBI,… để tổ chức cung ứng giới thiệu việc làm kịp thời cho người lao động, đảm bảo ổn định cuộc sống cho nhân dân. Chỉ đạo Sở LĐTB&XH phối hợp với các sở, ngành và các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ người lao động học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Thừa Thiên Huế dự kiến có 5.000 người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định được hỗ trợ |
Ông Đặng Hữu Phúc – Giám đốc Sở LĐTB&XH Thừa Thiên Huế cho biết, hiện Sở cũng đang phối hợp với các địa phương trên địa bàn rà soát, nắm bắt số lượng, ngành nghề, trình độ tay nghề đối với lao động làm việc ngoài tỉnh trở về. Bên cạnh đó rà soát, đánh giá nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn để kết nối người tuyển dụng với người lao động, nhằm giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Đối với lực lượng lao động tự do, lao động mong muốn chuyển đổi ngành nghề, Thừa Thiên Huế cũng sẽ vận dụng tối đa các chính sách hiện có, trong đó bao gồm Nghị quyết 68/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ người lao động học nghề, nâng cao tay nghề theo quy định, qua đó sớm quay lại thị trường lao động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá sự vào cuộc tích cực của các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Tuy nhiên lưu ý khi thực hiện chính sách các đơn vị cần quan tâm công tác truyền thông để bà con nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc hỗ trợ, giúp bà con được an tâm, ổn định cuộc sống; đồng thời đề nghị sở LĐTB &XH cần chủ động phối hợp với các địa phương thống nhất phương pháp, cách làm; công tác thẩm định phải chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng để đáp ứng mục tiêu là hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời cho bà con nhân dân, đảm bảo quy định.
“UBND tỉnh sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra để bảo đảm chính sách được áp dụng hiệu quả đến từng người thụ hưởng, đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống...”, ông Bình nói.