Thông tin trên vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế xác nhận, thông qua việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTG, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTG, Nghị quyết số 84/NQ-HĐND.
Cụ thể, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thực hiện hỗ trợ cho 138.962 người, với tổng kinh phí 81,475 tỷ đồng trong đó từ nguồn BHXH, ngân hàng chính sách xã hội là 113.507 người, với kinh phí là 39,177 tỷ đồng; Nguồn ngân sách Trung ương 60% và tỉnh 40% là 7.352 người, với kinh phí 14,524 tỷ đồng; Nguồn ngân sách tỉnh 100% theo Nghị quyết 84/NQ-HĐND và hỗ trợ lao động tự do, đối tượng đặc thù là 18.103 người, với kinh phí 27,773 tỷ đồng.
Công tác giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành có liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội; quy trình giám sát được thực hiện bài bản, khoa học, các đối tượng được giám sát và người dân ủng hộ, đồng tình cao.
Việc thực hiện hỗ trợ theo các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh góp phần hỗ trợ giảm bớt một phần khó khăn đối với người dân, người lao động, người sử dụng lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Quá trình triển khai chính sách hỗ trợ đến nay chưa xảy ra các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, người lao động, người sử dụng lao động trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ để xử lý kịp thời hoặc báo cáo đề xuất xử lý theo thẩm quyền những vấn đề phát sinh. Đồng thời, sẽ đề nghị Bộ LĐTB&XH phối hợp các Bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ sửa đổi quy định về điều kiện theo hướng thuận lợi hơn và gia hạn thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động để chính sách hỗ trợ có tính khả thi hơn.