Do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 100/242 công trình do Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế quản lý bị hư hỏng, sạt lở, bồi lắp, trôi nhiều hạ tầng thủy lợi. Trong đó sạt lở mái, sập tường kênh các loại với chiều dài hơn 1,4km; sạt lở, vỡ đê bao bờ vùng dài 1,5km; cửa bị hư hỏng khoảng 31,74m3; đất cát bồi lấp lòng kênh khoảng 100.000m3; rọ thép đá hộc các loại 450 cái…
Tại huyện miền núi A Lưới, với khoảng 80 công trình thủy lợi lớn nhỏ đã được đầu tư nhiều năm, qua nhiều giai đoạn sử dụng nên đã xuống cấp. Tại hồ A Lá, đất đồi phía bờ tả của vai tràn bị sạt lở kéo theo cây cối lấp vào phần đuôi tràn và vai trái tràn bị thấm. Công trình khu tái định cư Hồng Thượng, hệ thống ống dẫn nước bị hỏng, cầu Máng bị trôi; đập Pa Lanh 2, đập Kim Sơn xã Trung Sơn thượng lưu bị đất cát bồi lấp và trôi rọ thép sân tiêu năng và các công trình đập LiLeng xã Hồng Thủy; đập Ka Cú; đập Tà Riềng 2; đập Ru Khen... hệ thống đầu mối và kênh tưới bị hư hỏng nặng.
Sạt lở tại công trình cấp nước tưới khu tái định cư xã Hồng Thượng |
Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới thông tin, đợt mưa lũ vừa qua đã làm hư hại 58/80 công trình toàn huyện, về lâu dài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Để phục vụ sản xuất trước mắt, các xã huy động nhân lực, cho tiến hành sửa chữa, khắc phục một số công trình nhỏ. Đối với các công trình lớn, hư hỏng nặng địa phương đang đề xuất kinh phí để sửa chữa.
Hồ Khe Ngang (thị xã Hương Trà) bị sạt lở vách núi phía bờ tả tràn phí thượng lưu, với chiều dài 30m, rộng 10m; mái đá thượng lưu tràn chính bờ tả bị lún sụt 5m2; mái hạ lưu đập chính bị xói lở, lún sụt 4 vị trí ở chân đập và 3 điểm thân đập; đường quản lý tràn chính đoạn cống ngầm bị hư hỏng nặng; kênh chính hư hỏng 100m và kênh cấp 1 hư hỏng 180m.
Hồ Hòa Mỹ (huyện Phong Điền) bị sạt vách núi vai phải đồi và chân taluy đường quản lý và kênh N2 bị hư hỏng nặng. Các trạm bơm tại huyện Quảng Điền - vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, hệ thống kênh mương cũng hư hỏng nặng. Các trạm bơm Hạ Lang, Hạ Cảng, Lai Hà, Vinh Phú đều hư hỏng, xuống cấp sau mưa lũ.
Ông Đỗ Văn Đính – Chủ tịch Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế thông tin, mưa lũ đã làm hư hỏng, xuống cấp nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh do công ty quản lý với giá trị ước thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng. Hiện đơn vị đang tập trung khắc phục một số công trình đáp ứng nhu cầu sản xuất trước mắt. Về lâu dài, đơn vị đang đề xuất kinh phí để xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình lớn xuống cấp.
Tuyến kè đầm phá qua Phú Vang bị hư hỏng, xói lở sau lũ. Ảnh Hà Nguyên |
Được biết, thời gian qua hệ thống đê bao trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã được đầu tư nâng cấp khoảng 60 km với kinh phí ước 200 tỷ đồng; đầu tư xây mới và nâng cấp khoảng 40 trạm bơm điện ước kinh phí khoảng 180 tỷ đồng. Hiện nay, các hệ thống các trạm bơm đảm bảo phục vụ tưới, tiêu cho nông nghiệp. Hệ thống kênh mương nội đồng đã đầu tư được 1.180km, ước kinh phí khoảng 420 tỷ đồng. Việc đầu tư kiên cố hóa các tuyến kênh đã làm chủ động được nguồn nước tưới tiêu, tiết kiệm nguồn nước tưới, giảm chi phí trong quá trình vận hành khai thác.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trình Bộ NN&PTNT, Chính phủ hỗ trợ kinh phí đầu tư một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh như xây dựng hồ chứa nước Thủy Cam với kinh phí khoảng 550 tỷ đồng; nâng cấp sửa chữa đập ngăn mặn Thảo Long đã xuống cấp, hư hỏng nặng với kinh phí khoảng 198 tỷ đồng; nâng cấp sửa chữa đập ngăn mặn Cửa Lác để phục vụ nước cho 5.225 ha với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng; đầu tư nâng cấp sửa chữa 8 hồ chứa nước với kinh phí khoảng 80 tỷ đồng và cho chủ trương nghiên cứu lập dự án xây dựng hồ chứa nước Ô Lâu Thượng với kinh phí 987 tỷ đồng...