UBND xã Hải Dương (TP. Huế) thông tin, cá nuôi lồng trên địa bàn chết rải rác từ đầu mùa nắng nóng kéo dài đến nay, nặng nhất khoảng từ ngày 14- 19/7, có 21 lồng cá trên địa bàn bị chết gần như hoàn toàn, ước trọng lượng khoảng 14 tấn, thiệt hại khoảng 1,9 tỷ đồng.
Trên địa bàn xã Hải Dương hiện có 19 hộ nuôi 75 lồng bè cá các loại như hồng mỹ, chẽm, vẫu, mú…, tập trung tại khu vực Cồn Đâu, Thai Dương Hạ Nam. Số lồng cá còn lại hiện nay vẫn đang chết rải rác. Chính quyền địa phương đã kịp thời báo cáo với các cơ quan chuyên môn, tiến hành lấy mẫu kiểm tra, xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Đồng thời tiến hành xử lý số cá chết theo đúng quy định và tiếp tục theo dõi, triển khai các biện pháp bảo vệ cá lồng.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngay sau khi nhận được thông tin cá chết, đơn vị phối hợp với các ban ngành chức năng tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường tại vùng nuôi cá chết. Kết quả đo nhanh tại hiện trường cho thấy, độ mặn có sự chênh lệch khá lớn giữa tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy cũng như tại các điểm đo; thời tiết thời gian qua nắng nóng, xen kẽ mưa giông nên môi trường có sự thay đổi khá bất thường, đột ngột.
Chi cục Thủy sản tỉnh cũng kiểm tra, quan trắc môi trường tại một số vùng nuôi, kết quả cho thấy, nhiệt độ nước vùng nuôi thủy sản trên các sông, đầm phá và ven biển đều ở mức cao và quá cao như tại thị trấn Sịa, xã Quảng Thọ (Quảng Điền), Giang Hải (Phú Lộc), Thủy Tân (thị xã Hương Thuỷ). Độ mặn vùng đầm phá không cao, một số nơi còn thấp, nhiều khả năng có lượng lớn nước ngọt từ thượng nguồn đổ về. Một số chỉ tiêu tại điểm quan trắc có giá trị bằng hoặc vượt ngưỡng cho phép nuôi trồng thủy sản.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, các hộ nuôi phải tích cực theo dõi thường xuyên, thực hiện chế độ cho ăn và chăm sóc hợp lý để giảm lượng chất hữu cơ, giảm sự phú dưỡng nguồn nước; giảm sự phân tầng của nước, ổn định các chỉ tiêu môi trường trong ngày và tăng sức đề kháng cho thủy sản trong điều kiện nắng nóng gay gắt, kéo dài. Khi phát hiện cá chết, hoặc yếu cần vớt và xử lý đúng nơi quy định, loại bỏ ngay những con cá yếu, kết hợp di chuyển lồng nuôi đến nơi có nguồn nước thông thoáng và độ sâu trên hai mét.
Ngoài ra, người dân cần thu tỉa số cá nuôi đạt trọng lượng thương phẩm, giảm mật độ cá trong lồng, kết hợp giảm chế độ cho cá ăn thức ăn tươi; thay vào đó cho cá ăn thức ăn chế biến công nghiệp, pha trộn thêm thức ăn có bổ sung vitamin, khoáng... nhằm tăng sức khỏe cho cá nuôi. Lồng nuôi phải được vệ sinh sạch sẽ, sục khí và đảo nước để tăng cường ôxy, đồng thời giảm sự phân tầng của nước. Trên các lồng nuôi phải treo các túi vôi nhằm ổn định các chỉ tiêu môi trường nước và hạn chế sự phát triển của mầm bệnh…
Hơn 2 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế xảy ra các đợt nắng nóng gay gắt liên tiếp với nền nhiệt độ phổ biến lên đến 37- 38 độ C, xen kẽ các đợt mưa giông làm các yếu tố môi trường thay đổi, gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của các loài thủy sản nuôi, nhất là các ao nuôi có độ sâu mặt nước thấp, các lồng cá có mật độ nuôi cao, không thông thoáng. Nhiệt độ cao cùng tảo phát triển mạnh và nhanh tàn lụi làm tiêu hao ôxy trong nước rất lớn vào ban đêm, làm hàm lượng ôxy giảm thấp vào sáng sớm gây hiện tượng thiếu hụt ôxy và cá nổi đầu, giảm ăn. Nhiệt độ cao kết hợp với sự tồn tại của nhiều khí độc là môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus…
Trước đó vào tháng 5 và tháng 6, trên địa bàn xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc) có 252 lồng cá dìa, nâu, hồng, hanh, chẽm của 62 hộ nuôi tại vùng Cồn Cột bị chết với số lượng khoảng 14 tấn, ước giá trị thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Nhiều hộ thiệt hại hoàn toàn. Đời sống của các hộ này đang gặp khó khăn, khó có khả năng tái đầu tư khôi phục, tái thả nuôi vụ mới.