Thừa Thiên Huế: Hạn chế thấp nhất thiệt hại khi bão số 13 đổ bộ

Bài, ảnh: Văn Dinh| 14/11/2020 11:59

(TN&MT) - Lãnh đạo Thừa Thiên Huế trong sáng 14/11 đã có cuộc họp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 13 (VAMCO). Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12h trưa nay để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người khi bão đổ bộ vào Thừa Thiên Huế.

Khẩn trương ứng phó với bão

Mở đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện công điện của UBND tỉnh về ứng phó với bão số 13. Đồng thời, triển khai ngay việc tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, ven biển, ven suối, các vùng thấp trùng, nhà không kiên cố. Việc sơ tán hoàn thành trước 9h ngày 14/11.

Do con bão đi nhanh hơn dự kiến, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12h trưa nay để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người khi bão đổ bộ vào Thừa Thiên Huế cho đến khi có thông báo mới. Cán bộ công chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi có gió lớn xảy ra (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).

Tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão số 13

Các đơn vị, địa phương hoãn tất cả các cuộc họp, hội nghị không cấp thiết để tập trung ứng phó với bão số 13. Kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá, âu thuyền, bến neo đậu, các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng tàu thuyền neo đậu, các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trong các lán trại công trình đang xây dựng kể từ 12h ngày 14/11.

Sở GD&ĐT, Đại Học Huế, các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn trong ngày 14-15/11. Yêu cầu các địa phương kích hoạt hệ thống đài phát thanh xã/phường, thông tin di động tăng cường phát tin cảnh báo bão số 13.

Trực tiếp đến tận nhà các hộ dân, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp, dự kiến vào đất liền sớm hơn dự báo trước đây nên người dân phải chấp hành các khuyến cáo của chính quyền địa phương chủ động sơ tán, chịu khó vất vả, bất tiện khi không được ở trong nhà mình để đảm bảo an toàn cho tính mạng. Lực lượng công an phải bảo vệ tài sản người dân, bảo vệ an ninh trật tự để bà con yên tâm. Đồng thời, chính quyền bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con tại nơi sơ tán. Khi nào thật sự an toàn mới để người dân trở về.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung với phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão số 13, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng lực lượng, đơn vị có mặt tại địa bàn xung yếu. Yêu cầu mọi người dân ở vùng nguy hiểm phải được sơ tán,cưỡng chế những người không chịu đi, không để người dân bị đe dọa tính mạng. Yêu cầu các địa phương cần khẩn trương gia cố các khu vực sạt lở nguy hiểm, xung yếu, bảo vệ các cơ sở kinh tế ven biển, nhà cửa, tài sản của người dân.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế trực tiếp đến các nhà dân

Xử nghiêm việc Thủy điện Thượng Nhật tích nước

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng liên quan làm việc với lãnh đạo Thủy điện Thượng Nhật để có giải pháp xử lý nghiêm việc thủy điện này tích nước khi không được sự cho phép của UBND tỉnh.

“Việc Thủy điện Thượng Nhật tích nước trong mùa mưa lũ là vi phạm nghiêm trọng công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về ứng phó với bão lũ. Cần căn cứ vào pháp luật để xử lý nghiêm minh. Tuyệt đối không có vùng cấm”- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.

Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh quy định, từ ngày 12/11, những hồ chứa trên địa bàn chưa được phép vận hành buộc phải duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn, xả nước để phòng mưa lũ. Tuy nhiên, sáng 13/11, Công an xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông) phát hiện thủy điện Thượng Nhật không chấp hành nghiêm việc duy trì 5 cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn để xả nước.

Kiểm tra tình hình chống bão số 13 ở ven biển

Hiện các đơn vị chức năng đang xem xét để cưỡng chế, xử lý nghiêm đối với thủy điện Thượng Nhật liên quan đến xả lũ, buộc chấp hành các quy định về phòng chống lụt bão.

Được biết, để ứng phó với bão số 13, lũ quét, sạt lở đất các địa phương, tỉnh đã xây dựng kế hoạch di dời 19.671 hộ dân/65.890 khẩu đến nơi an toàn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu, kêu toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào neo đậu an toàn là 2.062 chiếc/11.350 lao động, phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển hướng dẫn tránh trú, neo đậu tại bến; Công an tỉnh đã chỉ đạo Cảnh sát Giao thông đường thủy hướng dẫn, neo đậu an toàn các tàu thuyền trên sông, đầm phá...

Hiện do ảnh hưởng của bão số 13, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang có mưa vừa, mưa to trên diện rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Hạn chế thấp nhất thiệt hại khi bão số 13 đổ bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO