Thừa Thiên Huế: Giải quyết dứt điểm việc chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển

14/12/2017 00:00

(TN&MT) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có buổi làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng và các sở, ngành liên quan về công tác chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã cơ bản hoàn thành việc bồi thường sự cố môi trường biển cho người dân một cách minh bạch, chính xác...
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã cơ bản hoàn thành việc bồi thường sự cố môi trường biển cho người dân một cách minh bạch, chính xác...

Sự cố môi trường biển vào giữa năm 2016 đã gây thiệt hại lớn đối với 42 xã, thị trấn thuộc 5 địa phương ở Thừa Thiên Huế là Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà; với gần 13.000 hộ dân.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến thời điểm này các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển đã thực hiện chi trả tiền cho gần hết các đối tượng được bồi thường đã phê duyệt (trong 8 đợt chi trả).

Việc xử lý hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác bằng nguồn hỗ trợ thêm gần 6 tỷ đồng theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng được các sở, ngành rà soát tham mưu UBND tỉnh giải quyết đảm bảo đúng quy định.

Tổng giá trị tiền hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí bồi thường theo Quyết định 1880/QĐ-TTg là 741,030 tỷ đồng, gồm 21.282 đối tượng; kinh phí bồi thường thiệt hại bổ sung theo Quyết định số 309/QĐ-TTg là 266,161 tỷ đồng cho 25.758 đối tượng.

Hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản phát triển tương đối tốt
Hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản phát triển tương đối tốt

Việc chi trả kịp thời, đúng đối tượng đã góp phần sớm ổn định cuộc sống nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, người dân vùng biển có nguồn kinh phí để phục hồi và tái tạo nuôi trồng thủy sản và  tổ chức đánh bắt hải sản xa bờ.

Ông Nguyễn Văn Phương- Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các địa phương rà soát để giải quyết dứt điểm cho những trường hợp còn lại, nhất là đối với các doanh nghiệp trên địa bàn cần trao đổi và giải thích cụ thể về những quy định trong công tác bồi thường cũng như những chính sách hỗ trợ của nhà nước để các doanh nghiệp hiểu và chia sẻ những khó khăn cùng địa phương.

Ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành và địa phương vùng ven biển triển khai thực hiện đề án khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển. Ngành TN&MT tăng cường công tác quan trắc môi trường biển và đầm phá để phục vụ tốt cho việc nuôi trồng thủy sản của người dân.

Du lich biển tại Huế đã nhộn nhịp trở lại...
Du lich biển tại Huế đã nhộn nhịp trở lại...

“Nên tập trung vào chuyển đổi nghề, phát triển nghề biển, nhất là dành nguồn kinh phí bồi thường để cải tạo vùng nuôi trồng thủy sản và mua con giống (tôm, cua, cá) tiếp tục nuôi trồng trên đầm phá nhằm ổn định sinh kế bền vững...”- ông Phương nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh  cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương tổng hợp tất cả các đợt chi trả sự cố môi trường biển trước ngày 20/12 để Sở NN&PTNT tổng hợp trình UBND tỉnh báo cáo Chính phủ trước ngày 25/12/2017.

Được biết, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có kiến nghị, đề xuất với các Bộ, ngành liên quan xem xét ưu tiên bố trí để nâng cấp cảng cá Thuận An và kinh phí thực hiện nạo vét, chỉnh trị cửa biển Thuận An, Tư Hiền tạo điều kiện cho việc phát triển khai thác xa bờ; đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến hải, thủy sản hiệu quả và bền vững. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế hỗ trợ lãi suất thực hiện chính sách tín dụng, khoanh nợ, giản nợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp người dân tiếp tục vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống...

Bài, ảnh:Văn Dinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Giải quyết dứt điểm việc chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO