Thừa Thiên - Huế: Giải pháp nào để thoát nước cho đô thị?

Văn Dinh| 11/12/2022 16:52

Tình trạng ngập lụt đô thị tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đang diễn ra ngày một nặng nề, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Cơ quan chức năng đã và đang tìm cách giải quyết vấn đề này.

Những năm gần đây, khi tới mùa mưa lũ, lượng mưa lớn đã gây ngập diện rộng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đặc biệt ở khu vực đô thị Huế. Việc nước rút chậm, ngập dài ngày khiến người dân “kêu trời”.

Bà T., một người dân sống ở Khu đô thị (KĐT) An Cựu City – TP. Huế cho hay, dù sống ở đô thị kiểu mẫu, khu vực tiện nghi hiện đại, tuy nhiên đến mùa lũ, cứ mưa lớn là ngập cục bộ, mưa kéo dài là ngập dài ngày, nước tràn vào nhà, đặc biệt là khu vực trục đường thấp trũng như đường số 7, số 10… Trận lũ năm 2020, nhiều hộ dân phải di chuyển xe ô tô lên công viên tránh lũ nhưng cũng bị thiệt hại.

z3950567373070_e84b51343c5a7256e2e250df5fcd5bbc.jpg

Đô thị Huế ngập dài ngày mỗi khi mưa lớn

Việc nâng cao độ nền đường một số tuyến như Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Thủy Dương- Thuận An trong KĐT mới An Vân Dương cũng đã “vô hình trung” gây ngập úng cho khu dân cư hiện hữu ở các phường Xuân Phú, An Đông (TP. Huế).

Người dân khu vực này cho rằng, các tuyến đường được nâng cao độ lên 0,5 m trở thành những tuyến đê “chắn nước” làm tình trạng ngập lụt ở các khu vực này ngày một nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, trận lũ vào tháng 10/2022 nhiều nơi còn ngập cao hơn “đỉnh lũ” năm 2020.

Vừa qua UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cao độ tuyến đường Võ Nguyên Giáp và đường Tố Hữu theo đồ án quy hoạch phân khu A điều chỉnh tại Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 21/2/2019. Theo số liệu của cơ quan chức năng kiểm tra thực tế cao độ ngập lụt của đợt lũ trong tháng 10/2020 tại KĐT An Vân Dương từ +2,81 m đến +3,17 m, do đó với cao độ trung bình của các tuyến đường trên là +2,64 m cơ bản giải quyết được lưu thông cho các phương tiện vận tải phục vụ cứu trợ, hỗ trợ lụt bão. Tuy nhiên, việc nâng cao độ 2 tuyến đường này trong giai đoạn trước mắt gây ảnh hưởng đến quá trình thoát lũ tại một số khu vực dân cư do hệ thống kênh mương thoát nước ra sông Như Ý, Nhất Đông, hói Phát Lát... chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

z3950567391664_775f2da8fdaa3ca7059690f625eb7729.jpg

Đường Tố Hữu chạy qua nhiều khu đô thị hiện đại ở TP. Huế, vừa được nâng cao độ nền đường lên 0,5 m

Ông Nguyễn Trần Nhật Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, để giải quyết thực trạng nói trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu để có các giải pháp xử lý trong tình hình hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. Cụ thể, đối với dự án nâng cao độ tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp sẽ bổ sung cửa thu nước cho các vị trí có cao độ địa hình thấp, thu vào hệ thống thoát nước của tuyến đường để xả ra các vị trí theo quy hoạch.

Trung tâm phát triển Quỹ đất TP. Huế đang trình Phòng TN&MT TP. Huế thẩm định nguồn gốc đất khu vực tiếp giáp sông Như Ý của hạng mục đường 100 m nối 2 KĐT A và B An Vân Dương thuộc dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (đô thị xanh) - Tiểu dự án Thừa Thiên-Huế để giải phóng mặt bằng, hoàn thiện đầu tư hệ thống thoát nước dọc và cửa xả tuyến đường Võ Nguyên Giáp. Bên cạnh đó, thực hiện nạo vét khơi thông các mương hói, các điểm bị tắc nghẽn, đường ống thoát nước mưa, cửa thu, cửa xả trên địa bàn khu vực. Tập trung hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng đang bị vướng mắc tại các dự án để sớm thi công hoàn thành các cống hộp cuối tuyến thông ra sông Lợi Nông như cống hộp kênh CX7 đường Tôn Quang Phiệt, cống hộp đường Hải Triều cuối kênh hói Vạn Vạn để giải quyết thoát nước cho các khu vực thượng lưu. Đối với các dự án khác đang triển khai trên địa bàn An Vân Dương sẽ tiến hành rà soát các vị trí ngập cục bộ do ảnh hưởng bởi dự án để có phương án thu gom, tiêu thoát úng cho phù hợp.

“Về lâu dài, Ban QLDA sẽ ưu tiên đầu tư các cầu, cống băng đường tại các vị trí mương hói nối liền hiện nay, thay thế các cống có khẩu độ nhỏ chưa phù hợp với các tuyến kênh mương và đầu tư theo giai đoạn đối với các tuyến kênh mương theo quy hoạch được duyệt. Từ đó từng bước hoàn thiện các tuyến đường và hệ thống thoát nước trong khu vực theo quy hoạch để đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật và thoát nước cho KĐT An Vân Dương”, ông Tuấn cho hay.

309703457_1374759693055575_3132874554696911034_n.jpg

Việc ngập úng đô thị đã và đang gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong ảnh là ngập lụt vào tháng 10 vừa qua. Ảnh Trần Thiên

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, tỉnh đang có nhiều hành động quyết liệt, tập trung đầu tư các hệ thống thoát lũ cho các địa bàn dân cư trên toàn tỉnh. Đối với KĐT mới An Vân Dương, toàn bộ hệ thống kênh theo quy hoạch sẽ được hoàn thiện, với kinh phí 1 phần từ nguồn vốn dư của Dự án đô thị xanh (Green City) và 1 phần giao cho TP. Huế lập dự toán.

“Với hệ thống kênh, mương thoát rất là lớn này, trong trường hợp mưa bình thường, tôi nghĩ là tình trạng ngập cục bộ sẽ không còn xảy ra. Tuy nhiên khi có mưa lớn cực đoan, cường độ lớn thì việc ngập lụt cục bộ sẽ không tránh khỏi, nhưng sẽ không ở mức độ dày đặc như hiện nay”, ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, trong quy hoạch sắp tới, tỉnh sẽ hết sức lưu ý đến vấn đề cao trình. Bởi với tần suất lũ lớn thì cao trình vẫn là yếu tố quyết định. Nếu làm công trình, dự án với cốt nền, cao trình thấp thì sau này sẽ khó chung sống được với mưa lũ tần suất lớn.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, để đảm bảo tính hiệu quả việc thoát nước tại KĐT An Vân Dương nói riêng và khu vực phía Đông TP. Huế nói chung cần phải có sự nghiên cứu đồng bộ, tổng thể trên phạm vi lớn. Do đó, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu giải pháp thoát lũ cho khu vực phía Đông TP. Huế. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu sẽ đề ra các giải pháp điều chỉnh cao độ, hướng thoát lũ cho đô thị nhằm thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển đô thị bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế: Giải pháp nào để thoát nước cho đô thị?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO