Thừa Thiên Huế: “Giải cứu” công viên nước tiền tỷ bỏ hoang

Văn Dinh| 10/05/2020 22:59

(TN&MT) - Dự án công viên hồ Thủy Tiên ở Thừa Thiên Huế lâu nay bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên. Cơ quan chức năng đang lên phương án “giải cứu” nơi này.

Khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) được đầu tư bởi Công ty Du lịch Cố đô, sử dụng vào năm 2004 khi chưa hoàn thiện, với số vốn hơn 70 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã cho xây dựng khu du lịch thủy cung, hệ sinh thái đa dạng, phong phú từ các loài cá đầy sắc màu ấn tượng đến những loài bò sát quý hiếm, sân khấu nhạc nước với sức chứa 2.500 chỗ ngồi, hệ thống 20 phòng ngủ cao cấp nằm đan xen trên các triền đồi.

Công viên hồ Thủy Tiên

Tuy nhiên do đầu tư dang dở nên nơi đây đã hoạt động kém hiệu quả, không thu hút được du khách. Sau đó năm 2008, Công ty Du lịch Cố đô đã chuyển nhượng cho Công ty TNHH Haco Huế làm chủ đầu tư. Công ty TNHH Haco Huế đã thiết kế lại dự án với tổng kinh phí dự kiến đầu tư tiếp tục là 270 tỷ đồng. Thế nhưng từ đó đến nay, công trình vẫn dậm chân tại chỗ, tất cả các hạng mục bị bỏ hoang, rùng rợn. Gia súc vào gặm cỏ, phóng uế...

Tờ The Huffington Post của Mỹ vào năm 2016 từng có bài viết về khu du lịch hồ Thủy Tiên “Công viên nước bỏ hoang ở Việt Nam, không dành cho những kẻ yếu tim”, phản ánh sự hoang tàn, đổ nát của khu du lịch này. Cũng kể từ đó, nơi này trở thành địa điểm thu hút rất đông khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ.

Các hạng mục ở hồ Thủy Tiên bỏ hoang

Năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thu hồi đất dự án khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên, với diện tích 495.929 m2 cùng các công trình trên đất của dự án, bàn giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở TN&MT tỉnh) quản lý. Nguyên nhân thu hồi là dự án nhà đầu tư sử dụng chậm tiến độ, vi phạm điểm G, khoản 1, Điều 64 Luật đất đai năm 2013.

Mới đây, tại buổi kiểm tra thực tế hồ Thủy Tiên, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ cho rằng, việc hồ Thủy Tiên bị bỏ hoang như hiện nay là một sự lãng phí lớn, cảnh quan nơi đây là một địa điểm lý tưởng để hình thành Khu công viên văn hóa phục vụ cộng đồng, không gian sáng tạo đương đại, công viên vườn tượng,…

Nhằm khai thác tối đa các yếu tố hiện trạng kiến trúc, cảnh quan, địa hình và hiện trạng sử dụng đất của khu vực này, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cần sớm hoàn thành việc xử lý tài sản trên đất để triển khai dự án đầu tư phù hợp.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra thực tế công viên để tìm hướng đi mới phù hợp

Gợi mở về các ý tưởng cho việc đầu tư tại khu vực này, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng cần tập trung khai thác tuyến đường đi bộ, nuôi thú, dịch vụ xe đạp thông minh gắn với một số hoạt động thể thao, vui chơi thưởng ngoạn cho khách và người dân địa phương. Cần tìm hiểu các mô hình công viên vườn thú kiểu mẫu ở các nước trên thế giới có điều kiện khí hậu tương tự như ở Huế để thực hiện tại khu đất đồi Thiên An.

Để thực hiện tốt dự án, Chủ tịch yêu cầu các sở ban ngành, các địa phương nghiên cứu xây dựng tuyến đường dân sinh cho người dân trong vùng để không ảnh hưởng đến khu vực phát triển dự án, khu vực vào hồ Thủy Tiên. Giao sở Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, UBND thị xã Hương Thủy tổ chức điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch hồ Thủy Tiên; đề xuất phương án giữ nước tại hồ Thủy Tiên để đảm bảo việc khai thác cảnh quan hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: “Giải cứu” công viên nước tiền tỷ bỏ hoang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO