Thừa Thiên – Huế: Đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế

Văn Dinh| 08/10/2021 14:05

(TN&MT) - Thời gian qua, COVID-19 đã tác động xấu đến hầu hết các ngành, lĩnh vực; các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, gây tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của cả nước cũng như tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tập trung nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân vừa tạo điều kiện hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy phát triển KT -XH” là mục tiêu mà tỉnh đang thực hiện.

Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào ngày 27/4/2021, rút kinh nghiệm ở các lần trước, tất cả các biện pháp mạnh, giải pháp tốt đều được tỉnh Thừa Thiên – Huế áp dụng linh hoạt, triệt để. Do đó, sau gần 5 tháng xuất hiện ca bệnh mới, tỉnh từng bước kiểm soát tốt tình hình dịch xuất hiện tại cộng đồng, tạo điều kiện thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển KT - XH.

Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng của năm 2021 cơ bản được duy trì ổn định, đạt được một số kết quả tích cực. Thừa Thiên - Huế cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa ổn định, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nền kinh tế Thừa Thiên- Huế vẫn đang phát triển ổn định dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh

Về phát triển kinh tế - xã hội, ngoài khu vực du lịch, dịch vụ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, một số điểm sáng đáng ghi nhận là thu ngân sách sau 9 tháng đã vượt chỉ tiêu của cả năm; kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng trưởng khá; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng ổn định… Tỉnh cũng chú trọng công tác bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn, giảm sâu thu nhập do ảnh hưởng đại dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, nhằm thực hiện “Thích ứng an toàn để trở lại cuộc sống bình thường mới”, tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc phòng, chống và kiểm soát dịch. Triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 theo quy định. Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng, khu công nghiệp, các khu dân cư tập trung. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch. Rà soát, chuẩn bị các kịch bản và phương án ứng phó với dịch bệnh trong mọi tình huống; chủ động ứng phó kịp thời với từng cấp độ dịch bệnh.

“Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương tổ chức đánh giá cụ thể mức độ tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với ngành, lĩnh vực và địa phương; xác định những thời cơ mới, động lực mới cho tăng trưởng, làm cơ sở xây dựng các kịch bản tăng trưởng năm 2022 và những năm tiếp theo theo hướng đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, lĩnh vực đảm bảo phù hợp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào GRDP và thích ứng với trạng thái bình thường mới”, ông Phương chia sẻ.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng chống dịch

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, một vấn đề được lãnh đạo tỉnh quan tâm và chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai trong thời gian qua là công tác giải quyết việc làm cho người dân Thừa Thiên Huế từ địa phương khác về và người lao động mất việc gắn với an sinh xã hội.

Yêu cầu các địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tạo thêm việc làm cho người lao động; quan tâm các mô hình sinh kế, nhất là các dự án đã có định hướng phát triển kinh tế để thu hút người lao động. Phối hợp với các ngành liên quan giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, giúp người lao động giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện có hiệu quả các chính sách về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, ưu tiên chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho những lao động có nhu cầu...

Để đáp ứng nhu cầu của người dân và đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch COVID - 19; tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa đề xuất với Cục hàng không Việt Nam cho khai thác đường bay nội địa đi và đến Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài với tần suất khai thác 1 chuyến khứ hồi/tuần đối với đường bay Huế - TP. Hồ Chí Minh. Các đường bay còn lại, Huế sẽ có đánh giá và đề xuất với Bộ GTVT, Cục hàng không Việt Nam khai thác thường lệ trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO