Qua tìm hiểu của PV, dự án chợ truyền thống Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) được Ban Quản lý Khu kinh tế- công nghiệp tỉnh Thừa Thiên- Huế chấp thuận chủ trương đầu tư theo quyết định số 176/QĐ-KKTCN ngày 15/11/2019. Chủ đầu tư là Hợp tác xã Đầu tư khai thác và quản lý chợ Nam Việt- Lăng Cô, thực hiện trên diện tích đất gần 15.000 m2, tổng vốn đầu tư 215 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động vào quý 4 năm 2022.
Dự án được triển khai thi công vào tháng 1/2021. Thế nhưng từ đó đến nay, người dân sống gần dự án phải khốn khổ vì tình trạng ngập úng. Gần đây nhất trong đợt mưa lũ giữa tháng 10/2022, dù nước các nơi đã rút hết nhưng suốt hơn nữa tháng, một số khu vực dân cư gần dự án trên vẫn còn ngập nước.
Nhà cạnh bên công trình, bà Nguyễn Thị D (tổ dân phố An Cư Tân, thị trấn Lăng Cô) tâm sự rằng 2 năm qua, suốt mỗi mùa mưa lũ thì bà “ăn không ngon, ngủ không yên” bởi nhà, vườn lại ngập dài ngày.
Theo bà D, trước khi dự án chợ truyền thống Lăng Cô được triển khai xây dựng, gia đình bà và người dân sống xung quanh chợ được chính quyền và chủ đầu tư mời họp. Tại cuộc họp, người dân bày tỏ lo ngại việc xây dựng chợ sẽ gây ngập úng nghiêm trọng do đường thoát nước của khu dân cư lâu nay bị bịt kín, nên kiến nghị đầu tư xây dựng hệ thống cống thoát nước trước khi xây dựng các hạng mục công trình. Trước kiến nghị của người dân, chủ đầu tư dự án “hứa” sẽ cho xây dựng hệ thống cống thoát nước rồi mới triển khai xây dựng chợ. Tuy nhiên, dù dự án đã triển khai trong thời gian dài, các hạng mục đang được hình thành nhưng hệ thống cống thoát nước vẫn chưa được xây dựng.
“Mỗi lần mưa lớn là nhà tôi bị ngập úng nặng, có khi nước ngập sâu vào nhà đến 1,5 m. Do nước không có đường thoát nên mỗi đợt ngập úng kéo dài từ 10 đến 15 ngày, tháng 10 vừa qua nhà tôi bị ngâm trong nước suốt gần 20 ngày, nước đen ngòm, chỉ mới rút khoảng một tuần qua thôi...”, bà D bức xúc.
Người dân xung quanh cũng cho rằng, việc ngập úng như vậy đã và đang gây ô nhiễm môi trường; muỗi, côn trùng và các loài sinh vật khác phát triển mạnh gây ra dịch bệnh.
Theo ghi nhận, chủ đầu tư đã khơi thông “mương tạm” nên đến hiện tại nước đã tạm rút, chỉ còn 1 số chỗ đọng nước do đất trũng thấp, nhưng người dân vẫn bất an bởi mùa mưa lũ vẫn còn.
“Mấy tuần nay lội nước. Nước mới rút đó chú ơi, nhưng liệu vài hôm tới mưa diễn ra thì hết ngập hay không, ăn rồi ngập mãi ai mà chịu nổi...”, một người dân nói với PV.
Làm việc với PV, ông Hoàng Trọng Huy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô xác nhận tình trạng ngập úng khu dân cư như ở trên là đúng và chính quyền địa phương đã nhiều lần làm việc, yêu cầu chủ đầu tư vào cuộc. Đến trước lúc xảy ra bão số 4 vừa qua, chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị thi công đưa xe cơ giới tạo mương nước, khơi thông dòng chảy để thoát nước cho khu vực dân cư xung quanh, nhưng do mưa lớn kéo dài, con mương bị đất đá vùi lấp khiến dòng chảy bị hạn chế.
“Theo phương án xây dựng, dự án chợ truyền thống Lăng Cô có đầu tư hạng mục cống thoát nước để vừa thoát nước cho khu vực dự án cũng như khu dân cư xung quanh. Tuy nhiên, đến nay hệ thống cống thoát nước này vẫn chưa được triển khai xây dựng. Nguyên nhân là do nhà thầu đang phải thi công các hạng mục chính. Chúng tôi đã kiến nghị sớm có phương án xây hệ thống cống thoát nước mưa...”, ông Huy nói.
Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Công Bình, Phó Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa qua đã cùng với đại diện chủ đầu tư dự án tiến hành kiểm tra thực địa.
Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện hệ thống hạ tầng xung quanh khu vực dự án chợ truyền thống Lăng Cô chưa được đầu tư đồng bộ, nước mưa được thu gom chủ yếu vào hệ thống thu gom nước mưa của tuyến đường Nguyễn Văn đang được thi công. Riêng đối với các hộ dân tiếp giáp với dự án, nước mưa được thu gom tạm thời vào hệ thống thoát nước mưa của dự án. Trong khi đó, hệ thống thu gom và thoát nước mưa của dự án chưa được đầu tư hoàn chỉnh và chủ đầu tư đã đào hệ thống mương hở để thoát nước cho dự án và các hộ dân lân cận. Tuy nhiên, hệ thống mương hở này đã bị lấp bởi đất, cát...
Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu chủ đầu tư dự án sớm có kế hoạch triển khai thi công hệ thống thoát nước mưa của dự án theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt nhằm đảm bảo thoát nước. Trong quá trình triển khai thi công hệ thống thoát nước, chủ đầu tư phải lưu ý đấu nối thoát nước mưa của các hộ dân lân cận vào hệ thống thoát nước mưa dự án.