Nhiều doanh nghiệp tích hợp vào Hue - S
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến nay số lượng người đăng ký sử dụng ứng dụng Hue -S đã đạt 867.598 trên tổng số người dân tỉnh có sử dụng điện thoại di động thông minh là 680.756 (đạt 144%). Ngoài số lượng lớn của người trong tỉnh thì số lượng công dân ngoài tỉnh hoặc người trong tỉnh làm việc đã cài đặt Hue-S để sử dụng.
Ứng dụng Hue – S đang vận hành hiệu quả |
Hiện đã có hơn 10 doanh nghiệp, đơn vị tích hợp Hue- S như: Tập đoàn Viettel tích hợp hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống giám sát thông tin và thu thập, tổng hợp tin về địa phương; Tập đoàn VNPT tích hợp một số chức năng hỗ trợ trong giáo dục; Tập đoàn AIC tích hợp chức năng phòng chống bão lụt, cảnh báo môi trường thông quan kết nối phân tích dữ liệu quan trắc môi trường, phòng cháy chữa cháy, thí điểm mô hình Bigdata phân tích báo cáo số; Vietinbank, VNPT, VNPay… tích hợp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt..., và nhiều đơn vị khác.
Ngoài ra, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh - IOC cũng đã chủ động tích hợp nhiều chức năng như: ứng dụng hỗ trợ công tác phòng chống dịch; thông báo, cảnh báo, giao thông di chuyển … và phân hệ ứng dụng Chính quyền số trên nền tảng Hue-S phục vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 67 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp có kết nối Internet băng thông rộng trên địa bàn là 100%. Có 202 doanh nghiệp có website tích hợp chức năng cho phép đặt hàng trực tuyến. Đã có 100% (9/9) cơ quan cấp huyện có cán bộ được giao phụ trách công tác phát triển xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi số cho người dân.
Cán bộ tại Trung tâm IOC tiếp nhận thông tin từ người dân chuyển về để cơ quan chức năng xử lý |
Hỗ trợ phòng chống dịch hiệu quả
Cùng với việc thực hiện thông điệp 5K + vaccine, việc áp dụng CNTT được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch COVID-19.
Trong năm 2021, hệ thống tổng đài hỗ trợ phòng, chống dịch 19001075 của Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận và xử lý 472.121 cuộc gọi, tính trung bình 1.293 cuộc gọi/ngày. Qua đó, đã đóng góp vai trò quan trọng trong công tác chống dịch.
Trong các đợt hỗ trợ đón công dân mắc kẹt từ TP. Hồ Chí Minh trở về địa phương, Trung tâm IOC đã nhận hơn 30.000 hồ sơ đăng ký trực tuyến; trên cơ sở đó Tổng đài đã thực hiện xác minh lọc ra khoảng 3.000 người đủ điều kiện đón về Huế trách dịch. Triển khai chính sách của tỉnh về việc hỗ trợ bà con Huế khó khăn ở 19 tỉnh phía Nam theo Chỉ thị 16, đã tiếp nhận 36.380 hồ sơ đăng ký trực tuyến chuyển cho chính quyền địa phương xác minh hỗ trợ đến nay hơn 12.000 người.
Phát triển 19 ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch COVID-19 trên ứng dụng Hue-S, đảm bảo liên thông với các nền tảng phòng, chống dịch của quốc gia và của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh. Qua các ứng dụng triển khai đã giám sát được gần 352.604 hộ gia đình khai báo y tế với gần 882.048 nhân khẩu; kiểm soát hơn 40.500.000 lượng xe ra, vào, đi ngang tỉnh Thừa Thiên - Huế; ứng dụng CNTT tại các chốt kiểm soát, chính quyền cơ sở qua đó đã kiểm soát được hơn 700.000 công dân đăng ký về địa bàn.
Người dân quét mã QR khai báo y tế trên hệ thống Hue - S |
Đã triển khai hệ thống cấp phát “Thẻ kiểm soát dịch bệnh” thông qua mã QR quốc gia. Đến nay, đã cấp được 1,2 triệu thẻ (hơn 95% dân số tỉnh) cho người dân trên địa bàn tỉnh và hơn 9.500 điểm kiểm soát được thiết lập. Thông qua dữ liệu giám sát quét QR đã hỗ trợ ngành y tế truy vết được hàng ngàn trường hợp F1, F2. Đã triển khai hệ thống camera áp dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác phòng, chống dịch: Kết nối được 447 camera và triển khai các giải pháp AI cho hệ thống camera giám sát giao thông dọc tuyến quốc lộ (40 camera) giám sát xe ra vào tỉnh, 20 camera tại các chốt kiểm soát, 150 camera tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến.
Đến nay đã giám sát được hơn 3.500.000 lượt phương tiện ra vào tỉnh, phát hiện và chuyển các đơn vị tuần tra, kiểm soát xử lý gần 16.000 lượt phương tiện vi phạm phòng chống dịch, 4.500 lượt phương tiện vi phạm an toàn giao thông...
Tiếp tục tạo đột phá
Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, năm 2022, ngành sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử tỉnh, đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị, công tác cải cách, hiện đại hóa hành chính, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Thúc đẩy phát triển kinh tế số; phát triển mạng lưới chuyển phát và logistics để thúc đẩy thương mại điện tử. Xây dựng hoàn thiện nền tảng số, hoàn thiện và phát triển dịch vụ đô thị thông minh các lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, Du lịch, Văn hóa, Giao thông, Môi trường...
Ứng dụng CNTT ở các chốt kiểm soát dịch COVID – 19 |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thanh Bình, thời gian tới ngành Thông tin và Truyền thông cần cụ thể hóa các chủ trương, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh bằng những cụ thể. Tập trung các giải pháp làm hạt nhân, làm đòn bẩy để triển khai thực hiện nhiệm vụ để tạo bước đột phá thúc đẩy chuyển đổi số trở thành bước đột phá trong phát triển KT - XH; phát triển hạ tầng CNTT, bưu chính viễn thông đồng bộ, đa dạng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số gắn với chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, trọng tâm là phát huy vai trò của ngành trong công cuộc chuyển đổi số.
“Cần phát triển nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT. Đặc biệt trong năm 2022, ngành cần tập trung xây dựng, phát triển ứng dụng “Báo cáo số” để cập nhật, tra cứu và quản lý dữ liệu báo cáo trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hiệu quả và tốc độ chuyển đổi số, từ đó góp phần quản lý, quản trị xã hội tốt hơn; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức và hành động, trách nhiệm của mỗi cán bộ, người dân về chuyển đổi số…”, ông Bình nhấn mạnh.