Thừa Thiên Huế: Đối thoại, lắng nghe nguyện vọng của tiểu thương ngôi chợ hơn 120 năm tuổi

VĂN DINH | 06/10/2020 09:54

(TN&MT) - Nhằm lắng nghe và giải đáp những tâm tư, nguyện vọng của tiểu thương chợ Đông Ba cũng như có những định hướng để tiến tới xây dựng hoạt động chợ văn minh, lịch sự, an toàn và thân thiện, ngày 5/10, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi gặp mặt với hơn 350 tiểu thương.

Chợ Đông Ba – ngôi chợ nổi tiếng với lịch sử hơn 120 năm tuổi

Chợ xuống cấp, kinh doanh khó khăn

Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) chợ, Đông Ba là ngôi chợ truyền thống có bề dày 121 năm xây dựng và phát triển. Chợ được đầu tư xây dựng lại từ năm 1986-1987 và đưa vào hoạt động cho đến nay. Trên diện tích 22.749m2, toàn chợ có hơn 2.700 lô và hơn 1.800 hộ kinh doanh được phân bổ tại 6 khu vực. Chợ có khoảng 60 ngành hàng, buôn bán từ các mặt hàng cao cấp đến bình dân; tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Mỗi ngày lượng du khách và người mua bán đến chợ khoảng 7.000-10.000 người. Trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng thu toàn chợ hơn 9,2 tỷ đồng, đạt 52% so với kế hoạch và 76% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại buổi gặp mặt, các tiểu thương tại chợ Đông Ba được trao đổi trực tiếp nhiều tâm tư nguyện vọng về công việc, môi trường làm việc, thái độ ứng xử… Trong đó, hầu hết đều cho rằng cơ sở hạ tầng chợ đang xuống cấp, hư hỏng, thấm dột khi có mưa lớn diễn ra; nhiều hộ kinh doanh đặc sản, hàng lưu niệm... bị thất thu, thiệt hại nặng do ảnh hưởng của các đợt dịch COVID-19. Các tiểu thương kiến nghị có chính sách giảm thuế, giá thuê mặt bằng; điều chỉnh giá thu phí chợ và thu phí vệ sinh; đầu tư về cơ sở vật chất để phát triển theo hướng văn minh thương mại; đẩy mạnh xã hội hoá về công tác xây dựng cơ bản, vận động các hộ kinh doanh sửa chữa làm đẹp quầy hàng; quy hoạch bố trí lại ngành hàng ăn uống đảm bảo vệ sinh môi trường...

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế gặp mặt tiểu thương chợ Đông Ba

Tiểu thương Phạm Thị Hiền cho hay, bà đã buôn bán 30 năm tại chợ nhưng chưa bao giờ tình trạng buôn bán ế ẩm như hiện nay.

“Có thời điểm, cả 5 ngày chưa bán mì xưa, cả tháng chỉ bán hàng cho vài người khách. Thời gian qua gần như 80% lô, quầy hàng tại chợ Đông Ba đóng băng do không có khách. Cơ quan chức năng cần có chính sách miễn, giảm thuế và tiền mặt bằng để giúp các tiểu thương vượt qua khó khăn”, bà Hiền chia sẻ.

Tiểu thương Lê Thị Mận phản ánh nhiều bất cập tại ngôi chợ này đã tồn tại trong thời gian dài, trong đó có tình trạng các lối đi trong chợ quá chật chội, nếu xảy ra cháy nổ xảy sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt, vấn nạn trộm cắp, ăn xin và “cò” du lịch lộng hành tại chợ Đông Ba khiến tiểu thương điêu đứng. Đã có nhiều trường hợp du khách vào chợ mua hàng bị kẻ gian trộm cắp tài sản. Du khách đến chợ cũng thường bị người ăn xin quấy nhiễu...

Các tiểu thương chia sẻ những khó khăn khi kinh doanh tại chợ

Xây dựng, phát triển thương hiệu chợ Đông Ba

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ gửi những lời chúc tốt đẹp đến các chị em tiểu thương nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 sắp đến, mong muốn tiểu thương chợ Đông Ba luôn là những “bông hoa đẹp” trong mắt du khách đến tham quan, mua sắm tại chợ.

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, chợ Đông Ba là một trong 5 ngôi chợ lớn và có thương hiệu trong cả nước, là sự tự hào của các tiểu thương cũng như người dân địa phương. Dù trong bối cảnh giao thương, phương thức mua bán có nhiều thay đổi, chợ Đông Ba vẫn giữ được giá trị, sức cạnh tranh lớn trên địa bàn và có sự thu hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Các tiểu thương đã góp phần quan trọng tạo nên thương hiệu riêng cho chợ, đồng thời làm đẹp hình ảnh về Huế, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

“Đây là buổi gặp mặt trên tinh thần cởi mở, trao đổi thẳng thắn, lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là khó khăn do dịch bệnh COVID-19 thời gian qua. Bên cạnh đó, cùng nhìn nhận lại những tồn tại, hạn chế để có những định hướng khắc phục trong thời gian tới, hướng đến xây dựng chợ Đông Ba ngày càng phát triển; hoạt động kinh doanh, buôn bán ngày càng chuyên nghiệp; nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ kinh doanh", Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Tặng quà cho các tiểu thương hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”

Giải đáp những trăn trở, kiến nghị của tiểu thương, ông Phan Ngọc Thọ đề nghị TP. Huế và BQL chợ phải đảm bảo cơ sở hạ tầng thiết yếu như hệ thống cống thoát nước, camera giám sát, nhà vệ sinh, phòng cháy chữa cháy…; lập lại trật tự theo quy hoạch, lấn chiếm không gian đi lại trong chợ, quản lý tốt người bán rong bạ xung quanh chợ. Đề nghị mỗi tiểu thương cần tạo sự thân thiện trong ứng xử, kinh doanh giá hợp lý, xây dựng thương hiệu “đến chợ Đông Ba thì không lo về giá”, nâng cao chất lượng quản lý chợ, củng cố vị thế chợ Đông Ba đối với du khách để duy trì tốt hiệu quả kinh doanh cho mỗi gian hàng.

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ đồng ý kiến nghị giảm 50% giá thuê mặt bằng trong năm 2021 của các tiểu thương. Ngoài ra, yêu cầu Chi Cục thuế TP. Huế có báo cáo đề xuất về cơ chế thuế cho bà con trong vòng 10 ngày tới; cam kết sẽ vận dụng tối đa các cơ chế thuộc thẩm quyền, luật cho phép để hỗ trợ khó khăn cho các hộ kinh doanh.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế cũng mong muốn chính quyền TP. Huế, BQL chợ cùng các tiểu thương cùng chung tay thực hiện phong trào” Ngày Chủ nhật xanh” qua đó tạo không gian thông thoáng, chỉnh trang lại bộ mặt cho chợ Đông Ba.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao tặng các tiểu thương chợ Đông Ba bình nước giữ nhiệt để hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” “nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Đối thoại, lắng nghe nguyện vọng của tiểu thương ngôi chợ hơn 120 năm tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO