Ngày 14/2 (tức mồng 10 Tết Kỷ Hợi), đã thành thông lệ, tại làng Lại Ân (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) tưng bừng diễn ra lễ hội vật làng Sình; thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham gia.
“Dù ai đi ngược về xuôi, đến ngày hội vật nhớ quay về Sình!”- câu ca dao này đã được lưu truyền ở làng Sình hàng trăm năm qua để nói lên một hội vật truyền thống nổi tiếng và lâu đời ở Cố đô.
Theo các bô lão trong làng, hội vật làng Sình (tên Nôm của làng Lại Ân) xuất hiện cách đây hơn 400 năm, được xem là hội võ vật lớn và cổ xưa nhất của xứ Đàng Trong. Cách TP. Huế khoảng gần 10km, tương truyền đây là địa điểm để xây dựng những trại đóng tàu thuyền, trường huấn luyện thủy quân bộ binh tinh nhuệ để chống giặc ngoại xâm và đã chọn lọc những môn võ từ mọi miền đất nước làm nét riêng cho mình nên trở thành ngày hội vật truyền thống hàng năm...
Dưới thời tiết nắng ráo của những ngày xuân, từ sáng sớm, khắp các nẻo đường con ngõ… dẫn đến làng Sình sôi động hơn thường ngày khi đông đúc người đổ về.
Hội vật làng Sình có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Trước khi tiếng trống khai hội bắt đầu là phần lễ tại đình làng. Đó là nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của các trưởng tộc ở đình làng nhằm nhắc nhở con cháu luôn nhớ đến ơn đức tổ tiên. Sau đó phần hội chính thức được khai mạc.
Sới vật làng Sình không trải thảm mà dùng bằng đất cát, trên nền sới vuông cao 1,5 m, mỗi cạnh rộng 8m. Hội vật về cơ bản cũng áp dụng theo nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc. Người thắng cuộc phải làm cho đối phương “lấm lưng, trắng bụng”, nghĩa là vật ngã ngửa đối phương và làm cho lưng chạm đất; người thua bị loại trực tiếp. Các tay vật thiếu nhi phải hạ một đối thủ, thiếu niên phải hạ liên tiếp hai đối thủ, còn đối với thanh niên là hạ ba đối thủ mới được vào vòng bán kết rồi chung kết.
Cũng theo quy định của giải đấu, nếu thanh niên nào đăng ký thi đấu mà Ban Tổ chức phát hiện có mùi bia rượu sẽ không được phép lên sới vật thi đấu; ngoài ra phải cắt móng tay móng chân, tháo dây kim loại, nhẫn... ra khỏi cơ thể.
Theo ghi nhận, có gần 100 đô vật tranh tài ở hai giải gồm giải thiếu niên từ 12-17 tuổi, giải thanh niên từ 18 tuổi trở lên nhưng không quá 40 tuổi; chủ yếu là người xã Phú Mậu. Ngoài ra, còn có các đô vật là thanh niên đến từ làng vật Thủ Lễ (huyện Quảng Điền), thị xã Hương Trà, huyện Phú Lộc, TP. Huế… Những thế vật biểu diễn độc đáo, mạnh mẽ và không kém phần đẹp mắt được các đô vật tung ra đầy cống hiến. Khán giả có mặt đã được thưởng thức nhiều pha đấu hấp dẫn và gây cấn.
“Rất vui vì Huế có một hội vật lâu đời và hay như thế này. Theo tôi cần duy trì và quảng bá nhiều hơn nữa để xuân nào cũng có cái mà thưởng thức…”, ông Nguyễn Phiên ( 62 tuổi, TP. Huế) chia sẻ.
Để góp phần cho Hội vật thành công, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban, ngành cấp huyện triển khai mọi công tác chuẩn bị từ sớm, từ sới vật, trang trí, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm và nhất là phần cổ động trực quan được ban tổ chức rất chú trọng; qua đó thu hút đông du khách và các đô vật về với ngày hội truyền thống này.
“Vật làng Sình đã trở thành một nét đẹp văn hóa của địa phương nói riêng và của Cố đô Huế nói chung, nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của quê hương và dân tộc; là nơi tôn vinh những thanh niên cường tráng, ngoài yếu tố vui khỏe những ngày đầu xuân; hội vật còn mang đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí. Mặt khác còn mang một ý nghĩa cầu chúc cho một năm mới thắng lợi, mùa màng tươi tốt hơn...”, ông Nguyễn Văn Trai- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết.