Thừa Thiên Huế: Đầm Lập An bị bồi lắng nghiêm trọng, nguy cơ ô nhiễm cao

19/09/2018 13:03

(TN&MT) -  Địa hình đáy đầm Lập An (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) thời gian gần đây đang bị bồi lắng nghiêm trọng; điều này kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường nước ngày một tăng...

Đầm Lập An có địa thế đẹp, phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản
Đầm Lập An có địa thế đẹp, phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản

Đầm bị bồi lắng, ô nhiễm

Đầm Lập An có tên gọi khác là đầm An Cư, nằm gần trục đường quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc). Đầm có vị trí khá đẹp khi nằm dưới chân đèo Phú Gia với bán kính rộng 15km2. Bao quanh đầm là dãy Bạch Mã hùng vĩ, phía trước đầm là vịnh Lăng Cô với màu nước xanh như ngọc.

Đầm Lập An phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là hàu. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên đầm Lập An từ trước đến nay là sinh kế quan trọng nhất của hơn 12.000 dân sinh sống ở địa phương.

Tuy nhiên, do bị bồi lắng nghiêm trọng ở khu vực cửa đầm nên việc trao đổi nước giữa đầm và biển ngày càng giảm, làm tăng ô nhiễm môi trường nước. Một số vị trí lòng đầm bị bồi lắng, cạn dần...

Trước tình cảnh trên, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế đã đặt hàng đề tài nghiên cứu về sự bồi lắng trong lòng đầm cho các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo thực hiện.

Hiện đầm Lập An đang bị bồi lắng nghiêm trọng
Hiện đầm Lập An đang bị bồi lắng nghiêm trọng

Theo kết quả đo đạc thực địa của nhóm nghiên cứu, sự bồi lắng ở đầm Lập An do 3 nguyên nhân chính, từ biển, từ hệ thống sông suối trên lưu vực và từ bùn cát rửa trôi từ các cồn cát xuống đầm cùng với hoạt động của con người. Tổng lượng bùn cát bồi lắng từ năm 2007 đến năm 2015 tính toán được là 367.400m3, với diện tích rộng 5,26km2.

Khu vực có xu thế bồi lớn nhất là Loan Lý, với độ dày khoảng 1,7m. Đây cũng là nơi có hoạt động hút hàu vôi diễn ra thường xuyên, tạo ra các bãi và hố sâu xen kẽ. Bùn cát từ biển cũng tham gia vào quá trình bồi lắng hằng năm ở đầm Lập An theo mùa. Trung bình, hằng năm lượng bùn cát từ biển gây bồi lắng cửa đầm hơn 85.000m3.

Chạy xe dọc theo con đường ven đầm Lập An, PV chứng kiến hàng vạn lốp xe cao su được các hộ dân kết thành từng khoanh và thả xuống đầm... Ở khu vực đầm Lập An có tầm trên 70 hộ dân ở các thôn Lập An, Loan Lý, Hói Mít, Hói Dừa (thị trấn Lăng Cô) làm nghề nuôi hàu, mỗi hộ thả hàng trăm khoanh lốp xe xuống đầm Lập An để cho hàu bám vào, mỗi khoanh được kết từ 5 - 10 lốp xe. Điều này đã làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở đầm Lập An ngày càng trầm trọng hơn.

Người dân nuôi hàu bằng lốp xe làm ô nhiễm nguồn nước ở đầm
Người dân nuôi hàu bằng lốp xe làm ô nhiễm nguồn nước ở đầm

Ngoài ra hiện ngày càng nhiều những nhà hàng nổi được xây dựng, cơi nới trái phép trên đầm Lập An để đón chào du khách. Cảnh quan môi trường sinh thái đang bị ảnh hưởng. Hơn thế, sự an toàn của du khách cũng chẳng thể nào được đảm bảo khi khách ồ ạt tràn về những ngày nắng nóng. Phía dưới đáy nước ở các nhà hàng đen ngòm. Nhiều rác hữu cơ như đồ ăn, thức uống... được thải xuống nước dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường cho đầm Lập An.

Thật dễ để nhận ra rằng, những nhà hàng nổi trên mặt nước đang khiến không gian và tầm nhìn của đầm Lập An bị thu hẹp. 

Tìm giải pháp

Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo đã đề xuất nhiều giải pháp tương ứng nhằm giảm thiểu sự bồi lắng đầm, đồng thời phát triển bền vững kinh tế  xã hội và môi trường như: tăng thảm phủ thực vật và lựa chọn phương pháp canh tác, sử dụng đất hợp lý; chuyển đổi ngành nghề của người dân, cơ cấu ngành nghề của địa phương và phục hồi, bảo tồn rừng ngập mặt khu vực đầm Lập An; xây dựng kè mỏ hàn chắn sóng; quy hoạch, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên đầm Lập An.

TS. Nguyễn Lê Tuấn- Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh: “UBND huyện Phú Lộc và thị trấn Lăng Cô cần sớm triển khai đồng bộ các giải pháp trên. Trong đó, chú trọng giải pháp nghiêm cấm triệt để hoạt động khai thác hàu vôi trong đầm, chỉnh trị và ổn định cửa đầm, khôi phục diện tích rừng ngập mặn xung quanh đầm và thường xuyên giám sát chất lượng môi trường tại các cống xả thải của khu vực nuôi tôm xung quanh đầm, khu vực gần các nhà hàng nổi”.

Những nhà hàng nổi trên mặt nước đang khiến không gian và tầm nhìn của đầm Lập An bị thu hẹp
Những nhà hàng nổi trên mặt nước đang khiến không gian và tầm nhìn của đầm Lập An bị thu hẹp

Theo ông Trần Ngọc Nam- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, theo quy luật tự nhiên thì đầm nào rồi cũng “chết”. Tuy nhiên, sự “chết” ấy đến sau 10 năm, 100 năm hay nhiều hơn nữa thì vấn đề hoàn toàn khác nhau.

“Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là tính toán đến tốc độ bồi lắng trong đầm Lập An và đưa ra những cảnh báo cụ thể đối với những nguy cơ đang tác động trực tiếp đến sự sống còn của đầm Lập An. Để đảm bảo tính bền vững cho đầm Lập An, chỉ riêng những giải pháp trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu thôi vẫn chưa đủ. Quan trọng nhất là phải chọn ra được những giải pháp cấp bách để ưu tiên thực hiện. Vấn đề này cần có sự vào cuộc đồng bộ của các nhà khoa học và các nhà quản lý...”- ông Nam nhấn mạnh.

Thời gian qua, để nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm chất lượng nước trong đầm Lập An, cũng như đảm bảo tính bền vững và mỹ quan cho đầm từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, chính quyền huyện Phú Lộc đang cố gắng đưa tất cả các hộ nuôi hàu vào vùng quy hoạch, đồng thời chuyển việc nuôi hàu với giá thể nuôi từ vỏ xe, sang nuôi bằng bè tre và vỏ hàu tự nhiên gắn vào bè tre âm dưới mặt nước. Tuy nhiên, việc này còn cần nhiều kinh phí và thời gian...

“Không nên làm kè kiên cố bằng bê tông để chắn sóng, mà chỉ nên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu nên bàn thêm giải pháp nạo vét lòng đầm nếu lượng bùn cát bị bồi lắng quá nhiều...”- ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Đầm Lập An bị bồi lắng nghiêm trọng, nguy cơ ô nhiễm cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO