Xã hội

Thừa Thiên – Huế: Đa dạng các chính sách để giảm nghèo hiệu quả

Văn Dinh 26/10/2023 - 12:58

(TN&MT) - Thời gian qua, Thừa Thiên – Huế đã và đang nổ lực để thực hiện nhiều giải pháp, chính sách đặc thù, qua đó đưa người dân thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Xung quanh vấn đề này, Báo TN&MT có cuộc trao đổi với bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

hue1.jpg
Bà Phan Minh Nguyệt

PV: Để thực hiện thành công đề án giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã xây dựng những chính sách giảm nghèo đặc thù gì?

Bà Phan Minh Nguyệt:

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa chủ trương thành những nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch cụ thể để các ngành, các cấp thuận tiện trong việc triển khai ở địa phương.

Gần đây nhất là việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 21/8/2023, có 6 nhóm chính sách giảm nghèo đặc thù với 8 chính sách cụ thể, gồm: Hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; Hỗ trợ xoá nghèo và cải thiện đời sống cho hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; Hỗ trợ trợ cấp hàng tháng; Hỗ trợ phương tiện nghe nhìn; Hỗ trợ lắp đặt hệ thống nước sạch; Hỗ trợ trợ cấp xã hội hàng tháng cho hộ nghèo không có khả năng lao động; Hỗ trợ cho hộ thoát nghèo, đồng thời thoát cận nghèo; Xoá nhà tạm cho hộ nghèo; Hỗ trợ ưu đãi lãi suất vay vốn cho hộ nghèo.

Có thể nói, cả 6 nhóm chính sách nêu trên đều là trọng tâm, trọng điểm để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo trên địa tỉnh đến năm 2025.

hue2.jpg
Nhiều chính sách giảm nghèo đặc thù được Thừa Thiên – Huế triển khai để giúp bà con giảm nghèo bền vững

PV: Một trong các nguyên nhân dẫn đến nghèo là không có đất sản xuất, vậy làm cách nào để giải quyết vấn đề này?

Bà Phan Minh Nguyệt:

Nếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thôn ĐBKK, vùng đồng bào DTTS&MN sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp chưa có đất sản xuất, hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất thì được chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất hoặc xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Thông tư số 02/2023/TT-UBDT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-UBDT.

Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng DTTS&MN; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp chưa có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của từng địa phương, có nhu cầu chuyển đổi nghề hoặc có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất nhưng không bố trí được đất sản xuất thì được xem xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Đối với các hộ không nằm trong khu vực thụ hưởng của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương thực hiện phương án giảm nghèo theo từng hộ sẽ chú trọng đến hỗ trợ khắc phục bằng cách giới thiệu việc làm, chuyển đổi nghề theo nguyện vọng của từng hộ.

hue3.jpg
Tổ chức Ngày hội việc làm gắn với giảm nghèo bền vững cho người dân huyện miền núi A Lưới

PV: Những thuận lợi và trở ngại, khó khăn trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là gì?

Bà Phan Minh Nguyệt:

Tính đến 15/8/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được 111.148 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 79.114 triệu đồng; vốn sự nghiệp 32.034 triệu đồng) trên tổng số vốn 427.263 triệu đồng từ nguồn vốn được cấp năm 2023 và vốn 2022 kéo dài sang năm 2023.

Với nguồn vốn được cấp hiện nay đã tạo điều kiện cho các cấp, ngành, địa phương có nguồn lực để thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo cho người dân và thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đề ra.

Bên cạnh đó, với những lý do khách quan và chủ quan khác nhau, đến nay vẫn chưa đầy đủ hướng dẫn nên một số dự án đang chưa triển khai được hoàn toàn (dự án 2, dự án 3, dự án 4) nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung. Một số dự án, tiểu dự án được phân bổ vốn nhưng để thực hiện giải ngân gặp khó khăn do không đảm bảo số lượng đối tượng tham gia thích hợp. Yêu cầu về thời gian cũng là áp lực cho các cấp, ngành, địa phương trong việc hoàn thành nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn.

Tuy nhiên, theo kế hoạch của các cơ quan Trung ương, chậm nhất trong tháng 10 sẽ tham mưu Chính phủ hướng dẫn các địa phương các tiêu chí còn thiếu (hướng dẫn về tiêu chí thu nhập thấp; định danh cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên…) và ở địa phương UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND một số nội dung liên quan đến các quy định thuộc thẩm quyền nhằm làm căn cứ đề các cơ quan, địa phương triển khai hỗ trợ cho các tập thể, cá nhân thụ hưởng. Mặt khác, đến nay, hầu hết các địa phương đã chủ động xác định, lựa chọn đối tượng, mô hình, dự án phù hợp với yêu cầu từng dự án, hy vọng khi các cơ quan có trách nhiệm ban hành văn bản việc giải ngân nguồn vốn sẽ đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đề ra.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình năm 2024, Sở đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch vốn 2024 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, tham mưu Chính phủ phân bổ vốn thực hiện. Theo đó, trong năm 2024, dự kiến nguồn vốn Trung ương thực hiện Chương trình là 281.271 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 125.754 triệu đồng; vốn sự nghiệp 155.517 triệu đồng).

Đến hết năm 2022, toàn Thừa Thiên – Huế còn 11.735 hộ nghèo (36.708 khẩu nghèo), tỷ lệ 3,56 %; 10.854 hộ cận nghèo (33.579 khẩu cận nghèo), tỷ lệ 3,30 %. Huyện miền núi A Lưới đang là 1 trong 74 huyện nghèo quốc gia. Tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 còn 2,79 % và đến cuối năm 2025 còn 2,0-2,2%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Đa dạng các chính sách để giảm nghèo hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO