Đóng mới tàu cá trên 280 tỷ đồng
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, toàn tỉnh đã có 40/45 tàu cá (trong chỉ tiêu hỗ trợ của Trung ương) được phê duyệt nguồn hỗ trợ đóng mới với tổng vốn vay ưu đãi lên trên 280 tỷ đồng từ việc thực hiện chính sách hỗ trợ đóng mới và nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/CP.
Trong tổng số 40 tàu cá đóng mới có 4 tàu vỏ thép có công suất trên 829CV và 36 tàu vỏ gỗ công xuất từ 400 đến 800CV; huyện Phú Vang có số lượng tàu cá đóng mới nhiều nhất với 30 tàu, kế đến là huyện Phú Lộc 8 tàu. Ngoài ra, các ngư dân cũng đã huy động vốn tự có để đóng mới thêm 35 tàu cá với công suất từ 400 CV đến cả 1.000 CV.
Tính đến nay, số lượng tàu đánh cá xa bờ của tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng từ 265 chiếc lên 409 chiếc (tăng thêm 144 chiếc); trong đó tàu cá có công suất từ 400CV trở lên đã tăng từ 38 chiếc tăng lên 200 chiếc (có 75 tàu đóng mới) và 52 chiếc tàu có công suất từ 800CV trở lên, nâng tổng số tàu cá của tỉnh lên gần 2 nghìn chiếc.
Kết quả trên cho thấy rằng, chính sách vay vốn ưu đãi để đóng mới, cải hoán tàu đánh cá theo Nghị định 67/CP đã mang lại hiệu quả thiết thực cho ngư dân, sản lượng khai thác hải sản của tỉnh trong 3 năm trở lại đây đã tăng lên đáng kể.
Năm 2017, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt trên 30 nghìn tấn, tăng 19,08% so với cùng kỳ năm 2016, điều này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực đánh bắt khai thác hải sản, đặc biệt là đối với khai thác hải sản xa bờ.
Cùng với chính sách hỗ trợ vốn vay cho việc đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ, hiện toàn tỉnh có 297 lượt tàu cá xa bờ và 2.932 thuyền viên được hỗ trợ chi trả phí bảo hiểm với tổng số tiền hơn 8,278 tỷ đồng; gần 71,38 tỷ đồng hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho ngư dân có tàu tham gia hoạt động dịch vụ thủy sản xa bờ...
Tăng cường khai thác hải sản xa bờ
Theo ông Hồ Sỹ Nguyên- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghị định 67/CP có sức lan tỏa rất lớn, một điều thấy rõ nhất là những con “tàu 67” đã giúp ngư dân bám biển dài ngày hơn, vươn ra ngư trường xa hơn; chất lượng hải sản được bảo quản tốt hơn khi về đất liền, tạo động lực cho ngư dân quyết tâm vươn khơi, bám biển; góp phần bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia.
“...Tuy nhiên, hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng với tốc độ phát triển của đội tàu đánh cá; lớn nhất là cảng cá Thuận An và các khu neo đậu tàu thuyền ở Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền... không đáp ứng được yêu cầu ra vào, neo đậu, cung cấp hậu cần cho tàu đánh bắt xa bờ do luồng lạch bị bồi lắng...”- ông Nguyên nhận định.
Theo kế hoạch phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020 của tỉnh Thừa Thiên Huế, sẽ nâng đội tàu đánh bắt xa bờ lên 600 chiếc và nâng tỷ trọng sản lượng khai thác xa bờ đạt trên 70%.
Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến chính sách của Nghị định 67/CP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí hợp lý để đầu tư phát triển lĩnh vực khai thác thủy sản; trọng tâm ưu tiên các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ đáp ứng nghề cá xa bờ...
Đồng thời quan tâm đôn đốc và hướng dẫn thủ tục nhanh chóng cho các chủ tàu, doanh nghiệp tham gia các chính sách thuộc Nghị định, trọng tâm là hỗ trợ các dự án đóng tàu có tính công nghệ cao như tàu vỏ thép, tàu vỏ composite...; phối hợp các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch và hướng dẫn quy trình duy tu, bảo dưỡng tàu cá vỏ thép để ngư dân thực hiện; xây dựng kế hoạch đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên theo tinh thần Nghị định 67/CP.