Thừa Thiên Huế: Chính quyền làm gì để ngăn chặn “cát tặc” tấn công người dân?

23/04/2019 10:33

(TN&MT) - Thời gian qua, “cát tặc” thật sự quá manh động và là nổi lo sợ thường trực của người dân Huế. Không chỉ hoạt động rầm rộ vì lợi nhuận mà chúng còn tấn công người dân nhập viện. Chính quyền Thừa Thiên Huế đã và đang tìm nhiều cách để ngăn chặn...

“Cát tặc” hoạt động vào ban đêm ở thượng nguồn sông Hương
“Cát tặc” hoạt động vào ban đêm ở thượng nguồn sông Hương

Liên quan đến tình trạng “cát tặc” đang lộng hành phức tạp tại Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đã giao trách nhiệm cho Công an tỉnh chủ trì, phối hợp, tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo đó, Giám đốc Công an tỉnh ban hành Kế hoạch số 195/KH-CAT-PV11 về việc phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông, bãi bồi (kế hoạch 195); thành lập Tổ công tác phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi, gồm PC05, PC68 cũ, PV01 (do PC05 làm Tổ trưởng).

Quá trình chỉ đạo đã ban hành nhiều văn bản, điện chỉ đạo; thường xuyên tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả đạt được để kịp thời điều chỉnh lực lượng, phương tiện, tuyến, địa bàn cần tập trung đấu tranh để nâng cao chất lượng; đã chú ý đúng mức công tác tham mưu những bất cập nổi lên trong cấp phép khai thác, tổ chức phòng ngừa, xử lý; trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ sở trong quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.

Người dân Huế bị “cát tặc” tấn công
Người dân Huế bị “cát tặc” tấn công

Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện tổng cộng 408 trường hợp vi phạm (407 đối tượng, 1 công ty có sai phạm), so với trước đó, phát hiện nhiều hơn 168 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng, tịch thu hơn 1.261,5 m3 cát, sỏi. Cảnh sát đường thủy (PC08) phát hiện 93 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt tổng số tiền 196 triệu đồng. Công an TP. Huế phát hiện 17 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt với tổng số tiền 7,5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đình Bách - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, đã yêu cầu lực lượng công an nâng cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để vi phạm về khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông, bãi bồi trái phép; vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Tập trung nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, doanh nghiệp, đối tượng chủ mưu, “đầu nậu” trong khai thác, kinh doanh, tập kết cát sỏi; chống đầu cơ, nâng ép giá, cũng như chống thất thu thuế trong lĩnh vực này; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý các hành vi mua bán khống hóa đơn, biên lai cát sỏi để hợp thức nguồn cung. Tiếp tục tổ chức công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình, phong trào phát động nhân dân tham gia phòng ngừa, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật tại các khu vực “điểm nóng”, trọng điểm về khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông.

“UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, xử lý nghiệm 2 vụ hành hung người dân tại Thủy Biều và Quảng Điền để răn đe, trấn áp các hành vi manh động của “cát tặc”. Đồng thời, yêu cầu chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, của địa phương trên lĩnh vực này. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các sở ngành, cơ quan liên quan để tham mưu, xử lý triệt để các yếu tố, nguyên nhân dẫn đến gia tăng, tái phát tình trạng khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép...”- ông Bách cho hay.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thăm hỏi người dân bị những kẻ khai thác cát đánh nhập viện
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thăm hỏi người dân bị những kẻ khai thác cát đánh nhập viện

Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Ngọc Diệp - Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (PC05) Công an Thừa Thiên Huế chia sẻ, trên địa bàn hiện đang có hơn 220 phương tiện khai thác cát sỏi từ người dân đến doanh nghiệp, trong đó đã có 205 cá nhân, hộ gia đình kinh doanh khai thác cát. Đơn vị luôn bố trí đầy đủ lực lượng ở các “điểm nóng” về khai thác cát, đặc biệt là đoạn thượng nguồn sông Hương và ở sông Bồ để phòng ngừa và đấu tranh; tuy nhiên, cũng vì số lượng cán bộ còn hạn chế và các đối tượng manh động nên cũng khó nắm bắt kịp thời, khi tập trung xử lý chỗ này thì chỗ khác lại xuất hiện không thể trở tay...

“Đa số các đối tượng khai thác cát cũng vì mưu sinh cả. Chúng tôi đã rất nhiều lần mời họ lên cơ quan để cam kết không vi phạm, không tái phạm nhưng cũng thật là khó. Đơn vị cũng đã cố gắng hết mình, làm việc nghiêm túc, không hề có sự bao che và sẽ vẫn tiếp tục truy quét xử lý mạnh tay hơn nữa nhất là về ban đêm, đồng thời tuyên truyền thêm cho người dân...”- ông Diệp nói.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép trên các dòng sông. Tuy nhiên, cuối tháng 3 vừa rồi người dân bị đánh để chống “cát tặc” một lần nữa cho thấy các đối tượng rất manh động, cố tình khai thác cát trái phép bằng nhiều hình thức làm ảnh hưởng đến đời sống cũng như ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo của tỉnh.

Những dòng sông tại Huế đang sạt lở do nạn khai thác cát diễn ra rầm rộ
Những dòng sông tại Huế đang sạt lở do nạn khai thác cát diễn ra rầm rộ

“Chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng có liên quan xử lý nghiêm các đối tượng gây trọng thương cho dân, đồng thời thời gian tới tiếp tục chỉ đạo xử lý mạnh với tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn...”- ông Thọ khẳng định.

“Cát tặc” là vấn nạn diễn ra lâu nay tại Huế khiến người dân vô cùng lo lắng, thời gian gần đây giá cát ở địa phương này tăng vọt, gấp đôi gấp ba so với trước khiến các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để trộm cát trên các sông, điều này đã được Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường phản ánh rất nhiều lần.

Không chịu khuất phục, người dân đã tự thân đứng lên để “chiến đấu” bảo vệ vườn tược mà không cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Vì thế mà vừa qua đã có người dân bị “cát tặc” đánh nhập viện. Cụ thể, 2 trường hợp là ông Võ Văn Lẹ (57 tuổi, trú thôn Thanh Lương 2, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà) bị tấn công đêm 21/3. Ông Hoàng Trọng Niệm (SN 1956, trú tại tổ dân phố 15, khu vực Trung Thượng, phường Thủy Biều) bị “cát tặc” đánh nhập viện trong đêm 26/3.
 

Lực lượng chức năng bắt giữ thuyền khai thác cát trái phép
Lực lượng chức năng bắt giữ thuyền khai thác cát trái phép

Nói về nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn, nhiều người dân trú ở khu vực sông Hương, sông Bồ chia sẻ tình trạng này trực tiếp ảnh hưởng đến diện tích đất trồng và gây sạt lở nhà dân. Đặc biệt, thời gian gần đây, nạn khai thác cát diễn ra rầm rộ hằng đêm, từ tối đến sáng sớm; dù đã có trình báo và thư kiến nghị gửi lên chính quyền nhưng tình trạng này vẫn không giảm.

“Trước đây chỉ thỉnh thoảng mới thấy thuyền hút cát trộm và nếu người dân hô to trên bờ là chúng cho thuyền di chỗ khác. Nhưng thời gian gần đây, việc khai thác cát nhiều hơn, mỗi đêm trên sông Hương đoạn gần nhà tôi có khoảng 3-4 thuyền hút trộm. Không hiểu vì sao đợt này chúng lại khai thác rầm rộ và hung hãn như vậy. Vườn tược sạt lở hết...”- bà Trần Thị Lê (thôn Trung Thượng, phường Thủy Biều) chia sẻ.

Ông Hồ Đắc Trường - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, xử lý triệt để nạn khai thác cát sỏi là nhiệm vụ hết sức nặng nề và đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, lâu dài. “Ngoài việc xử lý vi phạm, chúng tôi đang đề xuất tỉnh mở rộng mô hình khai thác cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho các hộ có phương tiện làm nghề khai thác cát sạn lòng sông có thu nhập chính đáng. Bên cạnh đó, tạo việc làm mới, chuyển đổi ngành nghề là cần thiết nhằm đảm bảo người dân có thu nhập ổn định, không tham gia khai thác cát sạn trái phép. Chúng tôi đang kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, TP. Huế thống kê, xây dựng phương án chuyển đổi nghề cho các hộ có nhu cầu...”- ông Trường cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Chính quyền làm gì để ngăn chặn “cát tặc” tấn công người dân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO