Thừa Thiên - Huế: Cấp nước an toàn, vệ sinh và bền vững

VĂN DINH| 09/06/2022 08:27

(TN&MT) - Thừa Thiên - Huế đã và đang nỗ lực để người dân từ vùng sâu vùng xa, từ nông thôn đến thành thị đều được dùng nước sạch một cách an toàn và bền vững.

Ông Trương Công Hân - Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWACO) cho biết, đến nay đơn vị đang cấp nước cho hơn 1 triệu dân (trong đó có hơn 500.000 dân khu vực nông thôn), đạt hơn 93% dân số toàn tỉnh với gần 5.000 km đường ống và 27 nhà máy xử lý nước ở khắp địa bàn tỉnh, trong đó có 7 nhà máy lớn, công suất từ 5000 - 82.500m3/ngày đêm.

11-1-.jpg

HueWACO thi công các hệ thống xử lý nước.

Tại Thừa Thiên - Huế, tỉ lệ cấp nước sạch ở đô thị đang đạt 98,4%, nông thôn đạt 90,5%. Khoảng hơn 6% người dân chưa tiếp cận nước sạch chủ yếu vùng sâu, vùng xa, miền núi...

Nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục cho người dân, HueWACO đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giám sát chặt chẽ từ đầu nguồn đến nhà khách hàng.

Cụ thể, HueWACO đã nâng cấp cải tạo các nhà máy, đồng thời để đảm bảo an ninh về chất lượng nguồn nước khai thác, đơn vị đã quy hoạch lên thượng nguồn và vị trí cao theo quy hoạch cấp nước đồng bộ, bền vững toàn tỉnh và liên vùng được UBND tỉnh phê duyệt, không ngừng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; lắp đặt thiết bị giám sát chất lượng nước online (độ đục, pH, Clo dư) ở mỗi công đoạn (nguồn - lắng - lọc - bể chứa và trên mạng lưới) với 92 thiết bị đo online tại các nhà máy và 22 thiết bị tại mạng nên kịp thời theo dõi và xử lý các sự cố xảy ra trong quá trình xử lý nước.

Theo lãnh đạo HueWACO, dù chất lượng nước đầu nguồn suy giảm sau cơn bão số 5 - 2021 song chất lượng nước toàn mạng vẫn duy trì dưới 0,02 NTU thấp hơn 100 lần so với TCVN. Lượng sắt, mangan và chất hữu cơ trong nước cũng duy trì mức rất thấp nên chất lượng nước cung cấp cho người dân vẫn đảm bảo an toàn.

Từ năm 2017 đến nay, ngành nước Thừa Thiên - Huế đã nghiên cứu ứng dụng thành công nhiều đề tài duy trì cấp nước an toàn, nhất là trong mưa lũ và sáng kiến bể lắng lọc thông minh, chất luợng cao, thân thiện với môi trường. Trong đó, sáng tạo về công nghệ xử lý nước, xử lý hiệu quả các nguồn nước có độ đục cao và đã áp dụng thành công tại nhà máy Quảng Tế 2, Tứ Hạ, Phong Thu...

Hiện nay, HueWACO đang tập trung chống thất thoát nước vùng điểm. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện phân vùng tách mạng và dò tìm rò rỉ các DMA có tỷ lệ thất thoát cao; dò tìm các điểm chảy ngầm khó phát hiện hay các điểm chảy nổi trên các đường ống truyền tải, phân phối, trên các ống dịch vụ vào nhà khách hàng, các điểm rò rỉ của các bể chứa bồn chứa của các trạm bơm, trạm tăng áp mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, việc đảm bảo cấp nước an toàn, bền vững vẫn còn nhiều khó khăn nhất là tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, tại các nhà máy sử dụng nguồn nước khe suối trong mùa nắng nóng trên địa bàn 2 huyện Phú Lộc, A Lưới. Nhiều nhà máy công nghệ đơn giản, cũ, lạc hậu, phân bố rải rác trên địa bàn toàn tỉnh, chi phí đầu tư hệ thống cấp nước ở khu vực nông thôn rất lớn nhưng doanh thu không cao nên ngành nước phải bù chéo giá…

11-2-.jpg

Theo Chủ tịch HĐQT - Trưởng ban chỉ đạo cấp nước an toàn HueWACO, nhằm phát triển bền vững nguồn nước, đơn vị đã thi công tuyến nước thô chống mặn kênh thủy lợi hồ Truồi để dự phòng bổ sung nguồn cho Nhà máy nước Lộc An trong trường hợp nước sông Truồi nhiễm mặn. Thi công tuyến ống truyền tải chiến lược DN400 gang băng hầm đèo Phước Tượng dài 1,7km lấy nước từ Nhà máy nước Chân Mây cấp nước cho các xã Lộc Trì, Lộc Bình giúp nghỉ vận hành 4 nhà máy nhỏ công nghệ lạc hậu và thiếu nguồn vào mùa hè tại Lộc Bình. Đơn vị cũng đầu tư nâng cấp nhà máy xử lý nước cơ động Thủy Yên từ 2.400m3/ngày đêm lên 5.000m3/ngày đêm theo phương thức đầu tư “công trình xây dựng khẩn cấp”, đồng thời khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết để trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư đầu tư xây dựng nhà máy Lộc Thủy 55.000m3/ngày đêm, lấy nước từ hồ Thủy Yên và phân kỳ xây dựng theo nhu cầu sử dụng nước.

Thời gian tới, HueWACO nỗ lực hoàn thành đưa vào vận hành Nhà máy nước Vạn Niên công suất 120.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1: 60.000m3/ngày đêm); khánh thành Nhà máy nước Thượng Long tại miền núi huyện Nam Đông với công suất 2.000m3/ngày đêm; xây dựng phương án đầu tư trạm trung chuyển điều áp Châu Sơn 10.000m3; đưa vào hoạt động trung tâm quản lý vận hành tự động nhằm quản lý thông minh hệ thống cấp nước, tổ chức các hội nghị chiến lược kinh doanh - nâng cao chất lượng dịch vụ, hội nghị về cấp nước an toàn và an ninh nước.

“Ngành nước cũng đã và đang học hỏi nhiều đơn vị cấp nước trên toàn quốc về kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý và phát triển hoạt động cấp nước đô thị hiện đại, qua đó phấn đấu nhiều hơn nữa với mục tiêu cấp nước an toàn cho 100% dân số toàn tỉnh vào năm 2025 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế”, ông Minh chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế: Cấp nước an toàn, vệ sinh và bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO