Thừa Thiên Huế: Cần đánh giá sự suy thoái nhằm phục hồi hệ sinh thái đầm phá Tam Giang – Cầu Hai

24/09/2017 00:00

(TN&MT)- Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nằm cách cố đô Huế khoảng 7 km. Bao gồm một chuỗi các đầm là phá Tam Giang - Đầm Sam - An Truyền -Hà Trung - Thuỷ Tú - Cầu Hai được nối với nhau và dài gần 70 km dọc vùng ven biển thuộc 5 huyện, thị xã gồm: Phong Điền - Quảng Điền - Hương Trà - Phú Vang - Phú Lộc.

Hệ đầm phá có dòng chảy phức tạp

Phá Tam Giang dài khoảng 24 km từ cửa sông Ô Lâu đến cửa biển Thuận An với chiều rộng trung bình 2,5 km, diện tích 52 km2 và độ sâu trung bình 1,5 – 2,0m. Đầm Sam, An Truyền và Thủy Tú chạy trên quãng đường khoảng 33km, từ cửa biển Thuận An đến đầm Cầu Hai, chiều rộng trung bình 1 km và độ sâu trung bình 1,5 – 2,5m với diện tích khoảng 60 km2.

Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai
Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai

Đầm Cầu Hai có dạng lòng chảo, hình bán nguyệt, dài khoảng 13 km, từ cửa sông Truồi đến chân núi Vĩnh Phong, nơi rộng nhất đạt đến 10,5 km (từ Đá Bạc đến Vinh Hiền), độ sâu từ 1,0 – 1,5m, có diện tích lớn nhất trong các đầm phá (104 km2).

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích thủy vực đạt 21.620 ha, chiếm khoảng 4,3% diện tích toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Có 32 xã, thị trấn nằm trên bờ của hệ đầm phá với số dân khoảng trên 500.000 người. Mặc dù có diện tích rộng, hình thái lạ kéo dài nhưng hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai chỉ thông với biển qua một cửa chính là cửa Thuận An, còn cửa Tư Hiền thường đóng mở theo điều kiện địa động lực - thuỷ hải văn, thêm vào đó hệ đầm phá này nhận nguồn nước ngọt từ các con sông như sông Ô Lâu, sông Hương, Sông Bồ, sông Bù Lu, sông Đại Giang và rất nhiều suối, lạch nhỏ khác bắt nguồn từ dãy núi Bạch Mã đổ ra. Lưu lượng của các con sông, suối, lạch này mang tính mùa nên các yếu tố môi trường ở đây rất phức tạp. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tính đa dạng sinh học và nguồn lợi động, thực vật của hệ đầm phá.

Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai
Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai

Hệ thống dòng chảy trong đầm phá rất phức tạp do sự tương tác của dòng triều, dòng chảy biển ven bờ, dòng nước sông, dòng chảy gió, địa hình đáy và hình dạng đường bờ,… làm cho bức tranh dòng chảy tổng cộng rất khác nhau trên không gian vùng nước. Tại cửa Thuận An, dòng triều toàn nhật khoảng 15 – 16cm/s, dòng triều bán nhật 20 – 26cm/s. Ở cửa Tư Hiền dòng bán nhật khoảng 25 – 30cm/s, có lúc đạt tới 35cm/s. Vào trong đầm phá, dòng chảy chủ yếu là dòng triều truyền qua các cửa và dòng chảy gió. Ảnh hưởng của dòng chảy sông trong đầm phá không lớn và chỉ đáng kể trong mùa mưa. Dòng chảy phát triển mạnh ở các cửa tạo điều kiện trao đổi nước giữa đầm phá và biển, tạo nên động lực di chuyển vật chất và các khối nước trong đầm phá. Chế độ dòng chảy thay đổi theo mùa quy định đặc tính khối nước trong thủy vực: từ lợ mặn vào mùa khô sang lợ vào mùa mưa. Trong mùa lũ, dòng chảy rất mạnh ở các cửa quyết định đến việc thoát nước cho thủy vực, nhưng cũng gây ra biến đổi địa hình đáy và hình dáng các cửa.

Do tính đa dạng của các yếu tố địa hình, khí hậu, môi trường và sinh vật, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có thể được phân chia thành nhiều kiểu hệ sinh thái khác nhau với các đặc điểm đặc trưng về môi trường, thành phần sinh vật. Tiêu biểu có thể kể đến như hệ sinh thái thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi triều, đầm lầy và các hệ sinh thái nhân tạo như đầm nuôi thủy sản, hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái đô thị. Trong đó, nhiều hệ sinh thái đóng vai trò rất quan trọng trong các chu trình tự nhiên cũng như cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho đời sống.

Phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có tính đa dạng sinh học cao gồm các hệ sinh thái khác nhau trong đó đã kiểm kê được 6 hệ sinh thái gồm: thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi triều, đầm lầy, hệ sinh thái nông nghiệp và đầm nuôi thủy sản. Tính đa dạng của các quần xã sinh vật gồm: thực vật phù du với 283 loài; động vật phù du với 57 loài; động vật đáy với 203 loài; rong, cỏ biển với 54 loài; cá với 230 loài.

Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai
Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai

Về biến động diện tích, các thảm cỏ biển bị giảm mạnh về diện tích từ 1939 ha (năm 2000) xuống còn 891 ha (năm 2014), tốc độ suy giảm giảm dần và nhiều nơi có sự phục hồi; rừng ngập mặn Rú Chá có xu hướng tăng về diện tích do thực hiện chủ trương trồng mới các cây ngập mặn; diện tích các đầm nuôi thủy sản tăng nhanh từ 2000 ha (năm 2000) đến 6799 ha (năm 2014). Sự biến động diện tích các hệ sinh thái kéo theo sự biến động nguồn lợi các nhóm động vật đáy, cá và nguồn giống cá, tôm trong các thảm cỏ biển.

Các nguyên nhân gây suy giảm nguồn lợi hệ sinh thái đầm phá gồm các nguyên nhân tự nhiên (ngập lụt, ngọt hóa và mặn hóa; nông hóa thủy vực; lấp - mở cửa đầm phá) và các nguyên nhân do con người (áp lực gia tăng dân số; nuôi trồng và khai thác không hợp lí; các đe dọa từ sự phát triển…)

Hiện nay Thừa Thiên Huế đã và đang thực hiện nhiều mô hình phục hồi hệ sinh thái, trong đó đã đánh giá được 6 mô hình áp dụng. Kết hợp thực hiện các mô hình phục hồi với việc thực hiện các giải pháp mang tính tổng hợp gồm 7 nhóm: quản lí sự phát thải chất gây ô nhiễm từ nguồn dân cư và đô thị; quản lí các hoạt động thủy sản; xác định cơ cấu đánh bắt và nuôi trồng hợp lí; quản lí các hoạt động nông nghiệp; quản lí các hoạt động giao thông - cảng, bến và hạ tầng giao thông; quản lí các hoạt động du lịch; và quản lí các hoạt động khai thác lưu vực.

Đồng nuôi tôm ở phá Tam Giang – Cầu Hai
Đồng nuôi tôm ở phá Tam Giang – Cầu Hai

Trong đó, cần có những nghiên cứu cụ thể và đầu tư cho việc xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho phát triển nông nghiệp ven đầm phá, đầu tư vốn và kĩ thuật cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản để giảm tải các hoạt động khai thác nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học các hệ sinh thái.

Đầu tư và xây dựng các mô hình du lịch, du lịch sinh thái từ các điều kiện sẵn có của đầm phá (cảnh quan đầm, doi cát ven biển, rừng ngập mặn, các cửa sông, cửa biển, bãi tắm,…); cần có các giải pháp quản lý đối với các hoạt động du lịch.

Cần có những nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm sinh sản một số loài cá có giá trị kinh tế trong đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nhằm bổ sung nguồn giống cho các hộ ngư dân hiện đang thử nghiệm mô hình nuôi sinh thái nhằm giảm sức ép của các hoạt động khai thác tự nhiên.

Tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các mô hình phục hồi hệ sinh thái nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học và nguồn giống trong các thảm cỏ biển. Hoàn thiện các văn bản pháp quy mang tính chặt chẽ quy định các vấn đề khai thác, đánh bắt thủy hải sản tại địa phương. Thay đổi các hình thức tập huấn, tuyên truyền cho người dân về vai trò của các thảm cỏ biển, rừng ngập mặn,… cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ các nguồn lợi từ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, từ đó nâng cao ý thức cộng đồng dân cư.

Đức Bình – Quốc Toàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Cần đánh giá sự suy thoái nhằm phục hồi hệ sinh thái đầm phá Tam Giang – Cầu Hai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO