Thừa Thiên Huế: Bảo tồn và phát huy "kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị"

16/10/2017 00:00

(TN&MT) - Huế là di sản thế giới có giá trị độc đáo về lịch sử, giữ cho Cố đô Huế mãi được bảo tồn trọn vẹn các giá trị kiệt xuất của di sản dân tộc, di sản thế giới trong sự phát triển bền vững không chỉ là ước nguyện mà thực sự là trách nhiệm của xã hội, của thế hệ hôm nay và mai sau...

Êm đềm ở một góc của lăng vua Gia Long
Êm đềm ở một góc của lăng vua Gia Long

Nỗ lực bảo tồn

Trải qua một thời gian dài, Thừa Thiên Huế đã hợp tác với gần 30 tổ chức quốc tế để tiến hành các hoạt động nghiên cứu bảo tồn di sản cả trên lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường. Qua đó, đã giúp Huế có nhiều cơ hội hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Huế đã có sự hợp tác với UNESCO, Nhật Bản, Ba Lan, Canada, Pháp, Anh, Đức, Thái Lan, Bỉ, Hàn Quốc, Hoa kỳ... để thực hiện hàng chục dự án trùng tu, nghiên cứu bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực. Nổi bật trong đó là, dự án hợp tác nghiên cứu kiến trúc truyền thống Huế để hướng đến việc phục hồi điện Cần Chánh (hợp tác với Đại học Waseda) đã thực hiện hơn 20 năm qua (1994-2016). Đó là dự án hợp tác với nhóm chuyên gia Đức để phục hồi tranh tường cung An Định, Tối Linh Từ ở khu Phủ Nội vụ, khu vực cổng và bình phong khu vực lăng mộ vua Tự Đức, công trình Tả Vu. Dự án hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc và UNESCO để thực hiện chương trình quốc gia về bảo tồn và phát huy Nhã Nhạc cung đình Huế (2005-2008). Và mới đây là Dự án bảo tồn, phục hồi cổng, bình phong, non bộ kết hợp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu tại điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế do Bộ Ngoại giao CHLB Đức tài trợ...
 

Ngọ Môn về đêm
Ngọ Môn về đêm

Theo TS Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thì, ngoài kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm bảo tồn, những năm qua, từ mối quan hệ hợp tác đối ngoại, Huế nhận được nhiều sự trợ giúp về vật chất của bạn bè quốc tế. Trong giai đoạn 1996 - 2017, tổng kinh phí đầu tư trùng tu Di tích Cố đô Huế khoảng 1.460 tỷ đồng, trong đó nguồn tài trợ của Quốc tế là hơn 90 tỷ đồng. Cũng thông qua các dự án hợp tác nói trên, đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nghệ sĩ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được đào tạo, trau dồi kiến thức thường xuyên và không ngừng trưởng thành.

Với lợi thế là Cố đô lịch sử, nơi đang gìn giữ các di sản thế giới của Việt Nam, Huế đã đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia đến thăm và làm việc, điển hình như Tổng thống Ba Lan, Thái tử Na Uy, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Hoa Giang Trạch Dân, Thái tử Nhật Bản Naruhito, Quốc vương Campuchia, và mới đây nhất là Nhật hoàng và Hoàng hậu Nhật Bản, qua đó thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Mùa hoa ngô đồng nở trong Kinh thành Huế
Mùa hoa ngô đồng nở trong Kinh thành Huế

Ứng xử với di sản

Nói đến di sản Huế ngoài hệ thống kinh thành rộng 700ha, với hoàng thành, cấm thành là cái lõi bên trong có hàng trăm công trình vàng son lộng lẫy dành riêng cho vua và hoàng gia. Và xa hơn trên những vùng đồi núi rợp bóng thông xanh biếc rộng lớn ở phía Tây Nam là hệ thống lăng tẩm của các vua triều Nguyễn với sự hài hòa của cảnh sắc thiên nhiên, là sự tinh tế độc đáo của các công trình kiến trúc.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, di sản Huế với tư cách là một kinh đô lịch sử đã được người xưa quy hoạch và xây dựng theo quan niệm “Đô thị phương Đông”, là sự đề cao và tôn trọng tuyệt đối các giá trị thiên nhiên do tạo hóa tạo nên. Sự sáng tạo đó của người xưa cũng đã dành cho tương lai, sự kết nối và kế thừa các ý tưởng với không gian mở rộng lớn hơn để phát triển.

Trang phục truyền thống phương Đông của các quốc gia trong đêm Festival Huế 2016
Trang phục truyền thống phương Đông của các quốc gia trong đêm Festival Huế 2016

Vì thế, để bảo tồn được toàn vẹn tính tổng thể, toàn diện những giá trị tiêu biểu, nổi bật toàn cầu của di sản Huế, là những giá trị mà UNESCO đã thừa nhận là di sản thế giới. Đó là hệ thống kiến trúc đô thị, từ những công trình có quy mô như thành trì, hệ thống thủy đạo, cầu cống đến những tổ hợp cung điện, đền đài, lăng tẩm, đình, chùa, miếu đường... Đó là các thành tố cơ cấu của một đô thị phong kiến tiêu biểu của thời kỳ phát triển cực thịnh về quy hoạch và kiến trúc Việt Nam.

Đặc biệt với sông Hương, cồn Hến, Dã Viên, hệ thống núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh, cùng với các đồi thông và thảm cây xanh như được xem là nền tảng của đô thị kiến trúc cảnh quan cần được bảo tồntổng thể.

Tránh tình trạng một số nơi đã “thả nổi” công tác quản lý làm mất dần diện tích những đồi thông xanh tuyệt đẹp. Đó là hiện tượng cơi nới, làm cháy, xâm lấn rừng thông trong một thời gian dài để làm nhà và xây lăng mộ nếu không được khắc phục sẽ là hệ quả của kiến trúc cảnh quan dần bị phá vỡ.

Và cũng sẽ là điều đáng tiếc nếu như những kiến trúc tưởng nhỏ bé như ngõ, cổng, tường rào, ao cá, những tổ hợp nhà rường, nhà vườn, những công trình như đình, chùa, miếu dần bị xuống cấp hư hại là một tổn thất chobản sắc truyền thống cư dân gắn liền với cố đô, không gian kiến trúc truyền thống trong lòng đô thị. Một nét đặc trưng mà Cố đô Huế còn lưu giữ lại và được đánh giá là một đô thị hài hòa tuyệt diệu - kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị.

Quốc Toàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Bảo tồn và phát huy "kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO