Thừa Thiên Huế báo cáo kết quả thống kê đất đai năm 2023
(TN&MT) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hoàn thành việc thực hiện thống kê đất đai năm 2023 và có báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, tổng diện tích đất tự nhiên năm 2023 của tỉnh Thừa Thiên Huế là 494.710,9 ha, không tăng giảm so với diện tích của kỳ thống kê đất đai năm 2022. Huyện A Lưới là đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích đất lớn nhất với 114.850,01 ha; còn thấp nhất là huyện Quảng Điền với 16.288,72 ha.
Phân bổ theo mục đích sử dụng thì đất nông nghiệp có 400.306,4 ha, chiếm 80,92 %; đất phi nông nghiệp có 88.052,2 ha, chiếm 17,80 %; đất chưa sử dụng có 6.352,3 ha, chiếm 1,28 %.
Phân bố quỹ đất theo đối tượng sử dụng thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng 129.767,5 ha, chiếm 26,23 %; các tổ chức kinh tế sử dụng 43.763,2 ha, chiếm 8,85 %; các cơ quan, đơn vị của Nhà nước sử dụng 28.600,5 ha, chiếm 5,79 %;...
Đáng chú ý trong năm vừa qua, đất ở của tỉnh Thừa Thiên Huế tăng 64,7 ha; đất nông nghiệp giảm 659,5 ha.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, kết quả thống kê đất đai năm 2023 của tỉnh đã được thực hiện đúng, đủ nội dung, cơ bản đảm bảo thời gian và chất lượng theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Công tác thống kê đất đai là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, là cơ sở để cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời về diện tích các loại đất, đối tượng sử dụng đất tại thời điểm kiểm kê. Thông qua công tác thống kê đất đai, mỗi cấp đều đánh giá được kết quả cơ bản việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, đồng thời trên cơ sở đó tiến hành hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và có biện pháp xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các năm tiếp theo...
Để công tác quản lý Nhà nước về đất đai ngày càng chặt chẽ, thống nhất, hiệu quả, đúng pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực đất đai, đảm bảo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kính đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, tiếp tục chỉ đạo hoàn chỉnh chính sách pháp luật đất đai nhất là quy định chặt chẽ về quy hoạch sử dụng đất, về chuyển mục đích sử dụng đất và chế độ sử dụng các loại đất. Tiếp tục nghiên cứu thực tiễn để ban hành các quy định, chính sách phù hợp đối với việc quản lý sử dụng các loại đất đã được sử dụng ổn định mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc đất bán trái thẩm quyền nhất là vấn đề về nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức viên chức ngành tài nguyên và môi trường, nhất là đội ngũ cán bộ địa phương, cơ sở...