Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, trong điều kiện rất khó khăn, nhất là ĐBSCL hạn mặn lịch sử nhưng vẫn được mùa do chủ động nhận định sớm cùng tập trung các giải pháp tổng hợp, đến nay, căn bản diện tích lúa Đông Xuân các vùng miền đều khá tốt, sẽ đạt kế hoạch sản lượng khoảng 20,2 triệu tấn thóc trong 6 tháng đầu năm, chiếm 46% sản lượng thóc cả năm. Dự kiến cả năm sẽ đạt kế hoạch sản xuất đề ra là 43,5 triệu tấn thóc.
Đối với rau, nhu cầu tiêu thụ rau cho 96 triệu dân trong 1 năm khoảng 14 triệu tấn, như vậy, ngoài bảo đảm nguồn tiêu thụ trong nước, sẽ có khoảng gần 4 triệu tấn rau hàng hóa phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Về chăn nuôi lợn, tốc độ tái đàn chậm là một trong những nguyên nhân giá thịt lợn tăng trong thời gian qua. Với khả năng sản xuất dự kiến, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 tương đương năm 2018, tính theo quý thì quý II/2020 đạt hơn 900 nghìn tấn, quý III đạt hơn 1 triệu tấn, quý IV gần 1,1 triệu tấn. Như vậy, đến quý III, IV sẽ cơ bản đáp ứng được phần lớn nhu cầu thịt lợn. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đến nay, chúng ta đã nhập khẩu hơn 45.000 tấn thịt lợn.
Theo Bộ Công Thương, giá bán lẻ thịt lợn thành phẩm phụ thuộc vào giá lợn hơi. Giá lợn hơi càng cao, giá bán lẻ thịt lợn thành phẩm cũng tăng cao theo tỷ lệ tương ứng. Giá lợn hơi giai đoạn đầu tháng 4/2020 ở mức 73.000-78.000 đồng/kg, giá thịt lợn thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 130.000-150.000 đồng/kg. Hiện nay, giá lợn hơi ở mức 80.000-90.000 đồng/kg và giá thịt lợn thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 145.000-165.000 đồng/kg.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, chi phí trung gian trong giá thành thịt lợn còn ở mức cao, chiếm từ 70-90%.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng cho rằng, chi phí trung gian hiện tại so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi khoảng 23.000- 28.000 đồng/kg. Do đó, việc rà soát, tổ chức lại hệ thống thị trường theo hướng tinh gọn, giảm bớt các kênh trung gian, phân phối sẽ góp phần giảm giá thịt lợn.
Theo Bộ KH&ĐT, tổng các gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra vào khoảng 636.000 tỷ đồng (khoảng 10% GDP) không ảnh hưởng đến CPI. Đại diện Bộ này cũng nhất trí rằng, mức chênh giữa giá lợn hơi và giá thịt lợn thành phẩm như hiện nay là quá cao.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Xử lý nghiêm trường hợp chậm trễ, làm ‘tình hình giá cả quá xấu’
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, phải quản lý Nhà nước tốt hơn về vấn đề giá cả theo đúng quy định pháp luật, kiên quyết chống đầu cơ, nâng giá, phá thị trường, làm giàu bất chính, “nếu buông lỏng là một sai lầm”, đừng bao giờ nghĩ rằng theo kinh tế thị trường thì buông lỏng quản lý. “Nếu tăng trưởng tốt mà giá cả tăng cao thì đời sống nhân dân bị ảnh hưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm tốt 2 mặt: Tăng trưởng tốt và giá cả ổn định, bảo đảm cuộc sống nhân dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì cùng các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan chuẩn bị dự thảo kết luận cuộc họp của Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá. Trong kết luận này, Thủ tướng lưu ý thể hiện rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, giao nhiệm vụ cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chậm trễ, bỏ bê, vi phạm quy định, “làm quá chậm để tình hình giá cả quá xấu”.
Qua lắng nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng nêu rõ, “chúng ta có thể nói là hoàn toàn kiểm soát được mục tiêu lạm phát năm nay” (kiểm soát tốc độ giá tiêu dùng dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội).
Thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để sớm giảm giá thịt lợn về khoảng trên dưới 60.000 đồng/kg. Bình ổn giá gạo, giảm giá điện, giá nước, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống người dân do tác động của dịch COVID-19.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì cùng các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, tiếp tục rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án điều hành giá từng sản phẩm, từng mặt hàng để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI dưới 4% trong năm 2020.
Tuyệt đối không có tư tưởng chủ quan, theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác phân tích, dự báo, nhất là những mặt hàng quan trọng.
Cho rằng giá thịt lợn hơi hiện tăng hơn 90.000 đồng/kg là “quá đáng”, Thủ tướng đặt vấn đề, “người dân chăn nuôi có hưởng không hay chỉ một bộ phận được hưởng”. Thủ tướng giao cho Bộ NN&PTNT, Công Thương, Tài chính, Công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn giá thịt lợn, trước hết là kiểm tra giá thành, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, quy mô lớn để có biện pháp hữu hiệu. “Chúng ta động viên các doanh nghiệp, nhưng phải phân bổ lợi nhuận một cách hợp lý”.
Chi phí khâu trung gian là rất lớn, phải làm sao bảo đảm hài hoà lợi ích của các khâu chăn nuôi, chế biến, phân phối, lưu thông, tiêu dùng. Nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi phải xử lý theo quy định pháp luật.
Đi liền với tăng nguồn cung ứng thịt lợn trong nước thì tăng nhập khẩu để bảo đảm cân đối cung cầu thịt lợn cả trước mắt và lâu dài. Thủ tướng cũng đề nghị tuyên truyền cho người dân thay đổi thói quen tiêu dùng.
Đối với vấn đề đưa thịt lợn vào danh mục hàng hoá dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các bộ, ngành nghiên cứu kỹ, đánh giá rõ tác động, ảnh hưởng, có đề án cụ thể báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Về mặt hàng gạo, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xuất khẩu có kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực và quyền lợi cho người nông dân, chấn chỉnh những lệch lạc vừa qua, xử lý nghiêm sai phạm.
Về giá xăng dầu, Bộ Công Thương chủ trì cùng các bộ khẩn trương rà soát, hoàn thiện, trình ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu. Vấn đề này đặt ra từ cuối nhiệm kỳ trước nhưng đến nay, gần 5 năm chưa xong, Bộ Công Thương cần rút kinh nghiệm vấn đề này. Các bộ, trước hết là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá dầu thô, có kịch bản, phương án điều hành cụ thể giá xăng dầu kết hợp hiệu quả công cụ quỹ bình ổn giá, không để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và mặt bằng giá nói chung.
Các Bộ Y tế, GD&ĐT, Công Thương, GTVT, Xây dựng và các cơ quan liên quan có biện pháp cụ thể giảm giá các loại vật tư, thiết bị y tế, sách giáo khoa, giá dịch vụ vận tải, bình ổn giá vật liệu xây dựng, các loại hàng hoá thiết yếu để vừa góp phần giảm khó khăn đời sống, vừa giảm chi phí sản xuất kinh doanh, bình ổn mặt bằng giá cả thị trường.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về giảm giá nước sạch theo thẩm quyền.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các địa phương, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc việc quản lý giá cả thị trường, bảo đảm đủ cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống, không để găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Về lộ trình tăng lương từ 1/7 và điều chỉnh giá các loại dịch vụ y tế (cũng từ ngày 1/7), giáo dục (từ tháng 9), Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ GD&ĐT, Y tế, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng các tác động, ảnh hưởng để báo cáo, đề xuất kịp thời cấp thẩm quyền về việc này, với tinh thần là chỉ tăng giá các dịch vụ khi đã kiểm soát được chỉ số giá, vào thời điểm thích hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành giá.