Chào mừng ngài Cao uỷ thăm Việt Nam nhân dịp tham dự Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2022 (GEFE 2022) với chủ đề "Các sáng kiến và giải pháp xanh từ châu Âu đến Việt Nam", Thủ tướng Chính phủ đánh giá sự kiện là cơ hội tốt để các đối tác đem đến giải pháp và công nghệ từ châu Âu, hỗ trợ Việt Nam đạt được những mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Khẳng định Việt Nam luôn coi EU là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng quan hệ Việt Nam - EU, với bề dày hơn 30 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm triển khai quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện, đã đạt những tiến triển tích cực về hợp tác trên mọi lĩnh vực.
Hai bên đã chia sẻ và đánh giá cao hợp tác về kinh tế-thương mại - đầu tư ngày càng chặt chẽ, cùng nắm bắt các xu thế phát triển mới, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao, duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhằm đưa quan hệ Việt Nam - EU đi vào chiều sâu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng sau 2 năm Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, đã giúp thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU liên tục tăng trưởng. Thủ tướng mong muốn phía EU tiếp tục quan tâm hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, giúp các doanh nghiệp và địa phương Việt Nam nâng cao năng lực để thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại COP26 và Hiệp định EVFTA.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong các thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nghiệp EU, nhất là trong các ngành sản xuất, dịch vụ và các lĩnh vực là thế mạnh của EU gắn với phát triển bền vững như kinh tế số, tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp xanh…
Thủ tướng cũng đề nghị Uỷ ban Châu Âu (EC) xem xét sớm gỡ bỏ thẻ vàng và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam thực hiện các giải pháp chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp phần bảo đảm sinh kế cho ngư dân và nguồn cung ứng cho thị trường EU.
Thủ tướng cho biết, sau khi có khuyến cáo của châu Âu về chống khai thác IUU, Việt Nam đã triển khai tích cực các công việc như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường tổ chức thực thi và nâng cao nhận thức của người dân cũng như tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân trên đất liền.
Thủ tướng bày tỏ Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với EU trong lĩnh vực phát triển bền vững kinh tế biển, thúc đẩy quản lý hiệu quả đối với tài nguyên biển hướng tới sự phát triển biển bền vững, cũng như bảo đảm an ninh, hoà bình, ổn định cho các vùng biển trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Trao đổi về việc thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò đi đầu của EU trong ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đề nghị EU và các nước thành viên tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm, trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu; thúc đẩy việc thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng của Nhóm G7 và Việt Nam (JETP) trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích, công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi.
Thủ tướng nêu rõ, chống biến đổi khí hậu không phải chỉ là công việc của mỗi quốc gia mà có tính toàn cầu nên cần kêu gọi hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương trong hợp tác bảo vệ đại dương, môi trường sống của chúng ta.
Bày tỏ vui mừng tham dự Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2022, Cao ủy EU về Môi trường, Đại dương và Nghề cá Virginijus Sinkevičius cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp và trao đổi về những biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – EU trong thời gian tới.
Khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của EU tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Cao ủy Virginijus Sinkevičius nhất trí hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc, đối thoại các cấp nhằm đưa quan hệ đi vào chiều sâu.
Cao ủy nhấn mạnh EU và các nước thành viên luôn ủng hộ tăng cường hợp tác hai bên trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. GEFE 2022 là sự kiện quan trọng để các đối tác châu Âu quảng bá những giải pháp và công nghệ xanh, kết nối với các đối tác Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Cao ủy EU khẳng định Hiệp định EVFTA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên; chia sẻ mong muốn sớm đưa Hiệp định EVIPA đi vào thực thi. Phía EU ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi nghề cá bền vững, đánh giá cao nỗ lực, cam kết của Việt Nam trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, có lộ trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
EU sẵn sàng thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng.
Về chống khai thác IUU, Cao ủy bày tỏ cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan chức năng Việt Nam trong vấn đề này, đặc biệt là hợp tác với đoàn công tác của châu Âu tới Việt Nam vào tháng 10 vừa qua. Đánh giá Việt Nam đạt được các tiến bộ về chống khai thác IUU, Cao ủy cho biết hiện đoàn công tác đang chuẩn bị báo cáo và sẽ sớm chia sẻ với phía Việt Nam và 6 tháng tới, đoàn công tác sẽ quay trở lại Việt Nam để tiếp tục đánh giá việc thực hiện các khuyến nghị của phía châu Âu.
Cao ủy cũng đề xuất thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về chống rác thải nhựa đại dương, thiết lập cơ chế hợp tác về bảo vệ, phát triển rừng.
Hoan nghênh ý kiến của Cao ủy, Thủ tướng cảm ơn Cao ủy đánh giá tích vực về nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật và coi trọng việc tổ chức thực thi. Thủ tướng bày tỏ hy vọng sau 6 tháng tới, khi đoàn công tác của EU quay lại Việt Nam sẽ có kết quả tích cực cho cả hai bên. Việt Nam mong muốn EU sớm gỡ "thẻ vàng" về thủy sản.
Về bảo vệ đại dương, chống rác thải nhựa trên biển, bảo vệ đa dạng sinh học, Việt Nam đã có các chương trình, kế hoạch hành động, phát động các phong trào huy động người dân tham gia với tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân hưởng thụ". Không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, không hy sinh môi trường để đánh đổi tăng trưởng kinh tế đơn thuần; con người là trung tâm, là chủ thể của quá trình phát triển. Thủ tướng nhất trí việc thiết lập cơ chế đối tác với EU về bảo vệ và phát triển rừng.