Thủ tướng: Phấn đấu hoàn thành dự án cầu Đại Ngãi trong năm 2025
Sáng 15/10, tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng – công trình giúp rút ngắn khoảng 80 km so với tuyến Quốc lộ 1A khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TPHCM.
Cùng tham dự lễ khởi công có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh Ngô Chí Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt
Tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã xác định mục tiêu là từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, thực hiện chiến lược xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế của khu vực ĐBSCL.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng được xác định là một hạng mục quan trọng trong quy hoạch trên. Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, vốn đầu tư 7.962 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, do Ban Quản lý dự án 85 Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng chiều dài hơn 15 km, điểm đầu giao quốc lộ 54 (xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh); điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu (xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).
Dự án gồm 2 cầu chính được đầu tư hoàn chỉnh với 4 làn xe. Trong đó, cầu Đại Ngãi 1 qua luồng Định An dài hơn 2,5 km, rộng 19 m. Phần cầu chính dạng dây văng có 2 trụ tháp cao 110 m (tính từ mặt cầu), nhịp chính 450 m, lớn thứ hai Việt Nam, sau cầu Cần Thơ và bằng cầu Vàm Cống. Cầu Đại Ngãi 2 dài 862 m, dạng đúc hẫng cân bằng qua luồng Trần Đề, mặt cầu rộng 17,5 m.
Đường dẫn hai bên cầu được đầu tư giai đoạn 1 rộng 12 m, 2 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, về sau sẽ hoàn chỉnh 4 làn.
Công tác giải phóng mặt bằng được tách thành tiểu dự án riêng do UBND 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng tổ chức thực hiện với tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 446 tỷ đồng.
Công trình dự kiến hoàn thành năm 2026. Đây là cầu dây văng thứ ba bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ và Vàm Cống. Khi hoàn thành, cầu Đại Ngãi sẽ cùng với cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên giúp Quốc lộ 60 được thông suốt.
Mục tiêu cụ thể khi công trình hoàn thành là nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam và với TPHCM, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và phá bỏ thế độc đạo của Quốc lộ 1A, rút ngắn khoảng 80 km so với tuyến Quốc lộ 1A khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TPHCM. Công trình cũng có vai trò quan trọng trong đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực ven biển phía Nam.
Cần phát triển tất cả 5 loại hình vận tải tại ĐBSCL
Phát biểu tuyên bố khởi công dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với phát triển hạ tầng giao thông và phát triển 6 vùng kinh tế-xã hội, trong đó có vùng ĐBSCL.
Thời gian qua, các dự án hạ tầng giao thông được thúc đẩy đồng bộ, bài bản. Dự án nào cũng có khó khăn, vướng mắc, nhưng đều được triển khai với quyết tâm cao, cách làm mới theo hướng hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, tăng cường kiểm tra, giám sát để chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Việc xây dựng cầu Đại Ngãi có ý nghĩa quan trọng để triển khai chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về đột phá chiến lược về hạ tầng cũng như về phát triển các vùng.
Theo Thủ tướng, khu vực ĐBSCL trù phú, giàu tiềm năng, phong phú về văn hóa và bản sắc, có vai trò và ý nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo an ninh lương thực và sự phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông vẫn là điểm yếu của vùng, đòi hỏi giải quyết có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng khẳng định, cần phát triển tất cả 5 loại hình vận tải tại ĐBSCL. Trong đó nhiệm kỳ này, chúng ta tập trung thúc đẩy xây dựng tuyến cao tốc trục dọc (Trung Lương-Mỹ Thuận-Cà Mau) tuyến trục ngang Đông-Tây tại khu vực. Nhiều tuyến đường vành đai, quốc lộ, tỉnh lộ, nhiều cầu mới… đang được xây dựng.
Cùng với đó, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quy hoạch các cảng biển tại ĐBSCL đã có. Để tiếp tục khai thác lợi thế sông nước của khu vực, thời gian tới sẽ tập trung xây dựng một số cảng biển lớn và hệ thống cảng nội địa.
Cùng với đó, cần nghiên cứu, nâng cấp các sân bay trong khu vực như Cà Mau, Rạch Giá… nghiên cứu, tính toán, bố trí nguồn lực để xây dựng tuyến đường sắt TPHCM-Cần Thơ dài 174 km.
"Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để phát triển tất cả 5 loại hình vận tải tại ĐBSCL. Đây là nhiệm vụ khó, nặng nề nhưng không thể không làm, không còn cách nào khác để tạo đột phá cho ĐBSCL", Thủ tướng nói.
Về vấn đề nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, biến không thành có, biến không thể thành có thể. Phải luôn đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, có tầm nhìn chiến lược thì mới tạo ra nguồn lực; đổi mới cách tổ chức thực hiện để tạo động lực mới. Nguồn lực bắt nguồn từ nhân dân, phải lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phải nỗ lực hơn nữa, cắt giảm các thủ tục để tranh thủ nguồn vốn vay nước ngoài, xác định trọng tâm, trọng điểm để làm nhanh, kịp thời, hiệu quả.
Phấn đấu vượt tiến độ, hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất
Với dự án cầu Đại Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan đã chỉ đạo quyết liệt và có những biện pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để triển khai dự án (rút ngắn 11 tháng).
Thủ tướng biểu dương Ban Quản lý dự án 85 và các cơ quan liên quan của Bộ Giao thông vận tải đã bám sát thực địa, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền 2 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng và chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp đồng bộ nhằm sớm hoàn thành các thủ tục theo quy định.
Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn nhân dân hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng đã nhường đất đai, nhà cửa để phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án.
Thủ tướng khẳng định, lễ khởi công xây dựng công trình mới chỉ là bước khởi đầu. Để hoàn thành dự án còn rất nhiều công việc phải làm, nhiệm vụ còn rất nặng nề và chắc chắn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu phải nỗ lực vượt tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2025. Tinh thần là tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, xác định trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó với tinh thần trách nhiệm rất cao để "vượt nắng thắng mưa", khắc phục mọi khó khăn kể cả đột xuất, bất ngờ.
Cùng với bảo đảm tiến độ, dự án phải bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Giao thông vận tải quyết liệt chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, tập trung nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư theo các quy định hiện hành trong tổ chức thực hiện dự án.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương liên quan, UBND tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban Quản lý dự án và các nhà thầu thi công.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm nguyên vật liệu cho các dự án; các tỉnh trong vùng ĐBSCL có mỏ nguyên vật liệu xây dựng ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho dự án, cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật.
UBND tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng tiếp tục triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định; sớm bàn giao 100% diện tích mặt bằng cho dự án ngay trong năm 2023. Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân tại nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi cũ; dứt khoát phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm.
Thủ tướng đề nghị mỗi cá nhân tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với nhân dân, với đất nước; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Những năm qua, bằng nguồn vốn trong nước và nguồn vốn vay ODA, nhiều dự án xây dựng công trình giao thông lớn, có tính liên kết, lan tỏa trong khu vực ĐBSCL đã được hoàn thành như cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, dự án đường hành lang ven biển phía Nam, Tuyến N2, tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận…
Các công trình này đã tạo thuận lợi kết nối giữa các địa phương trong vùng, giữa Vùng ĐBSCL với các vùng, miền khác của cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân của các tỉnh Tây Nam Bộ nói chung và hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng nói riêng