Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác trong chiều 25/3 đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các đề xuất, kiến nghị để tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Dự buổi làm việc còn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương...
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, năm 2022, tỉnh đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 8,56%; GRDP bình quân đầu người tăng 10% so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 12,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12%.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt 107% kế hoạch. Vốn FDI đăng ký tăng 40% so với cùng kỳ. Nhiều chỉ số cải cách hành chính thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, chỉ số Hiệu quả và quản trị hành chính công xếp thứ 1/63; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp 4/63; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp 8/63. Chuyển đổi số được đẩy mạnh, chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021 xếp thứ 2/63.
Trong Quý I năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều điểm sáng tích cực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước tăng 3,5%. Thừa Thiên -Huế đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9 - 10% trong năm 2023.
Tại buổi làm việc, các kiến nghị của tỉnh với đoàn công tác liên quan đến 7 nhóm vấn đề. Trong đó, tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ quan tâm phối hợp, hướng dẫn và hỗ trợ hoàn thành xây dựng “Đề án thành lập thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên - Huế” để trình Quốc hội vào năm 2024.
Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính quan tâm, phối hợp chặt chẽ với tỉnh hoàn thiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020” và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý II/2023 để có cơ sở triển khai thực hiện.
Về 2 dự án trọng điểm gồm: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An; Đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2) đã được khởi công trong năm 2022, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm bố trí bổ sung 1.900 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Hiện nay, UBND tỉnh đang tổ chức lập dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 2), trong đó có thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng một số khu vực còn lại trong Kinh thành Huế và các khu vực di tích khác thuộc quần thể di tích Cố đô Huế nhưng đặc biệt cần thiết di dời, giải phóng mặt bằng để quản lý, bảo vệ khu vực di tích, chống lấn chiếm, đồng thời phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Do vậy, tỉnh mong muốn Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh được áp dụng Khung chính sách đã thực hiện đối với dự án giai đoạn 1 để tiếp tục thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế (giai đoạn 2) và xem xét bổ sung nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện hoàn thành dự án theo Thông báo Kết luận số 269-TB/VPCP, ngày 18/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các dự án Nâng cấp hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế; dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá.
Biến niềm tự hào về di sản văn hóa thành nguồn lực phát triển
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng và các đại biểu cũng dành nhiều thời gian phân tích về các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Thừa Thiên – Huế có ưu thế phát triển thuỷ sản ở cả vùng biển, đầm phá và nước ngọt, với bờ biển dài hơn 120 km, phá Tam Giang dài 70 km, diện tích 22 nghìn ha là vùng đầm phá có diện tích lớn nhất Đông Nam Á. Tỉnh có hơn 325 nghìn ha đất lâm nghiệp. Tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú với khoảng 25 loại khoáng sản; 7 nguồn nước khoáng nóng có thể sử dụng để uống và chữa bệnh.
Thừa Thiên - Huế là địa điểm du lịch hấp dẫn với nền văn hóa vô cùng đặc sắc, là sự hòa quyện của văn hóa đô thị với văn hóa làng, chùa; văn hóa cung đình (bác học) với văn hóa dân gian. Nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã đi vào thơ ca như núi Ngự, sông Hương, đồi Thiên An, đồi Vọng Cảnh, phá Tam Giang, núi và rừng quốc gia Bạch Mã, đèo Hải Vân...
Đặc biệt, tỉnh sở hữu 5 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới gồm Quần thể di tích Cố đô Huế - di sản đầu tiên của Việt Nam được thế giới công nhận, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
“Thừa Thiên - Huế nói chung và Cố đô Huế nói riêng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có vị trí đặc biệt, rất đặc sắc về con người và truyền thống văn hóa, lịch sử. Chúng ta tự hào về Huế và phải biến niềm tự hào này thành nguồn lực, kế thừa và phát huy thành quả, di sản mà cha ông để lại để tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, tỉnh phải chú trọng phát triển hài hòa kinh tế - văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng.
Trước những kiến nghị của tỉnh, trên tinh thần tạo thuận lợi nhất cho Thừa Thiên -Huế phát triển, Thủ tướng giao tỉnh phối hợp với các cơ quan, tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tổng kết thực tiễn, xây dựng, hoàn thiện các dự án, đề án, chương trình cụ thể bảo đảm sát thực tế, khả thi, hiệu quả để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng đồng tình với đề xuất xây dựng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế và nhấn mạnh, việc xây dựng Bảo tàng này cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ các bảo tàng lớn trên thế giới; quản lý, trưng bày, giới thiệu phải ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng kiến trúc phải kế thừa truyền thống, hài hoà, phù hợp với tổng thể di tích cố đô Huế; bảo tàng phải tự “sống được” bằng nguồn thu. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng bảo tàng hoặc trung tâm ẩm thực Huế.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương xử lý, tháo gỡ các vướng mắc, sớm đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đường lăn sân bay Phú Bài theo quy hoạch, bảo đảm đồng bộ với nhà ga T2 sắp hoàn thành nhằm nâng cao năng lực, khai thác hiệu quả sân bay này.
Trước đó, trong chương trình làm việc tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An, dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh, thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, kiểm tra khu tái định cư dự án di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế, dâng hương, tham quan triển lãm về cuộc đời, sự nghiệp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.