Chiều 28/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Làng nghề gốm sứ Bát Tràng tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, để “lắng nghe ý kiến bà con cũng như muốn quảng bá hình ảnh Bát Tràng để mọi người biết Bát Tràng đẹp, hay, nổi tiếng như thế và tới nơi đây”.
Xã Bát Tràng cách Thủ đô 12 km, có nghề sản xuất gốm sứ truyền thống, có lịch sử hình thành và phát triển nhiều trăm năm. Làng nghề gốm sứ Bát Tràng là tên gọi kép, phản ánh nghề làm gốm và địa danh, địa chỉ nơi ngành nghề, người thợ thủ công hành nghề cư trú. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân trong xã, làng nghề còn tạo việc làm cho 10.000 lao động thuộc các địa phương khác. Thu nhập bình quân đầu người của xã là 53 triệu đồng/người/năm.
Từ năm 2015, Bát Tràng đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nói chuyện với bà con nhân dân, Thủ tường bày tỏ niềm vui và ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thị trường, làng nghề Bát Tràng vừa gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa phát triển mạnh mẽ.
Thủ tướng cho rằng, việc gìn giữ được các tinh hoa văn hóa, nghề truyền thống của cha ông là rất đáng quý, cũng là thể hiện tinh thần và lòng yêu nước của các nghệ nhân và nhân dân Bát Tràng. Bên cạnh đó, cho rằng làm nghề truyền thống mà không nâng cao đời sống của người dân thì vẫn chưa tốt, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi được biết tỉ lệ hộ nghèo ở đây chỉ dưới 1%. 11/11 thôn đều là thôn văn hóa. Cuộc sống ngày càng khá lên và giữ được tình làng nghĩa xóm.
Nhìn nhận chính sách đối với các nghệ nhân đã có nhưng chưa đầy đủ, Thủ tướng khẳng định, Nhà nước sẽ tiếp tục lắng nghe và hoàn thiện, không chỉ vấn đề quy hoạch làng nghề mà hướng đến chuyên môn hóa mỗi làng một nghề, nhất là khi Việt Nam có tới 1.800 làng nghề nhưng có tên tuổi như Bát Tràng còn ít. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện tốt hơn cho làng nghề về cơ chế, chính sách, pháp luật để làng nghề có thể phát triển đồng bộ tốt hơn như kiến nghị của xã Bát Tràng.
“Chủ trương hiện nay rất đúng nhưng còn bất cập trong việc cụ thể hóa để mỗi làng một nghề, nhất là những nghề truyền thống quý báu. Bát Tràng là tượng trưng cho làng nghề truyền thống, cho nên vấn đề tôn vinh nghệ nhân, xây dựng làng nghề, đào tạo bồi dưỡng nghệ nhân là rất quan trọng. Đất đai, nguyên liệu là một phần, nhưng cần bàn tay khối óc để có mẫu mã đẹp, sản phẩm tốt, ra thị trường tốt”, Thủ tướng nói. Từ Bát Tràng, có thể rút kinh nghiệm chung cho các địa phương, làng nghề khác. Đánh giá cao Bát Tràng đã là xã nông thôn mới, Thủ tướng mong muốn Đảng bộ, chính quyền địa phương tiếp tục đưa làng nghề phát triển và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Trong phát triển làng nghề, Thủ tướng lưu ý việc quan tâm bảo vệ môi trường. Mỗi nhà, mỗi người dân và đơn vị sản xuất phải chú trọng điều này. Thứ hai là quan tâm đến thị trường, trong đó chú trọng phát triển, hợp tác với các nhà tiêu thụ, phân phối. Cùng với đó là cải thiện kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới từ cuộc cách mạng 4.0 để cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Tôi được các đồng chí cho xem, tặng một bình men sứ Bát Tràng mà ai cũng trầm trồ khen ngợi không biết làm ở đâu mà đẹp thế. Cái đó ít có trên thị trường lắm. Cho nên vấn đề mẫu mã, vấn đề cải tiến kỹ thuật rất quan trọng. Mong rằng các nghệ nhân, các nhà thiết kế sản phẩm thấy được cái này và nên tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng để có sản phẩm phong phú hơn. Và chúng tôi đề nghị với huyện Gia Lâm và UBND TP. Hà Nội gắn làng nghề Bát Tràng với du lịch Việt Nam. Bây giờ có hàng triệu khách đến Hà Nội thì tỉ lệ đến Bát Tràng là bao nhiêu? Khách đến đây tham quan, mua sản phẩm, chúng ta phải có bao bì đẹp để khách hàng mang sản phẩm về, trong nước cũng như ngoài nước. Khâu quảng bá này rất quan trọng”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng tin tưởng với trí tuệ, bàn tay khối óc của nghệ nhân và nhân dân Bát Tràng, làng nghề sẽ có bước tiến vượt bậc, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, trở thành làng kiểu mẫu về ngành nghề truyền thống dân tộc, làm gương cho các làng nghề khác.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã dự khai mạc triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm gốm sứ tiêu biểu, văn hóa, du lịch Bát Tràng 2018.
Thủ tướng đã tới thăm hỏi nghệ nhân nhân dân Trần Độ, đời thứ 18 trong dòng họ Trần ở Bát Tràng gắn bó với nghề làm gốm.