Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác chuẩn bị Tết Nguyên Đán 2019 tại Thừa Thiên Huế

07/01/2019 08:39

(TN&MT) - Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc trong năm mới 2019. Tại đây, ngoài quan tâm tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng lưu ý tỉnh này phải có biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi vui tươi, lành mạnh, an toàn…

Vào chiều 6/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và công tác chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế những ngày đầu năm 2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế những ngày đầu năm 2019

Kinh tế - xã hội ổn định

Báo cáo với Thủ tướng, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong năm qua tỉnh có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tổng thu ngân sách hơn 7.740 tỷ đồng, thu nội địa đạt 6.708 tỷ đồng. Tỉnh có trên 650 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 5.000 tỷ đồng; thu hút 34 dự án đầu tư với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, trong đó có 27 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,92 %; tỷ lệ tham gia bảo hiểm toàn dân đạt 98%; giải quyết việc làm mới trên 16.500 lao động; đưa 900 lao động đi làm việc tại nước ngoài. 

Năm 2019, tỉnh  đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,5 - 8,0%; tổng đầu tư toàn xã hội 22.700 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 1.915 USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,7% (còn 4,22%)... Tỉnh đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 45 nhiệm vụ, giải pháp và 186 nhiệm vụ cụ thể.

UBND tỉnh cũng đã ban hành 6 Chỉ thị, 4 chương trình trọng điểm và ban hành Quyết định 01/QĐ-UBND triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với 208 chương trình, đề án cụ thể và 10 giải pháp chỉ đạo điều hành. Trong đó, tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị; phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Về công tác chuẩn bị đón Tết, trên tinh thần Chỉ thị số 34/CT-TTg, ngày 28/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, hiện tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 và các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Kỷ Hợi năm 2019 trên địa bàn tỉnh đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Thủ tướng đang rất ủng hộ “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I Di tích Kinh thành Huế”, đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mà Thừa Thiên Huế phải thực hiện trong năm nay
Thủ tướng đang rất ủng hộ “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I Di tích Kinh thành Huế”, đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mà Thừa Thiên Huế phải thực hiện trong năm nay

“Dự kiến toàn tỉnh có hơn 100 nghìn đối tượng nhận quà Tết và hỗ trợ đón Tết từ Trung ương và của tỉnh với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng. Trong đó, 33.445 suất quà của Chủ tịch nước và hơn 77.732 suất quà của tỉnh cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trong toàn tỉnh. Về công tác phục vụ đời sống nhân dân trong dịp Tết, hiện tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo về số lượng, chất lượng một số mặt hàng thiết yếu, chống đầu cơ tích trữ, không để khan hiếm gây đột biến về giá cả ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân; tuyệt đối không để các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách... thiếu đói trong những ngày Tết. Ước tổng giá trị dự trữ hàng hóa trong dịp Tết khoảng gần 1.300 tỷ đồng”- ông Thọ thông tin.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đồng ý chủ trương cho tỉnh thuê tư vấn nước ngoài lập Quy hoạch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 và quan tâm hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch của địa phương.

Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư và một số khung chính sách liên quan. Quy mô đầu tư và nhu cầu vốn để thực hiện đề án rất lớn (di dời và tái định cư cho 4.201 hộ, nhu cầu vốn gần 4.100 tỷ đồng) trong khi nguồn lực địa phương còn khó khăn, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm bố trí một phần kinh phí hàng năm để địa phương có điều kiện thực hiện đề án.

Nỗ lực đảm bảo Tết an toàn…

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành và đánh giá cao tinh thần quyết liệt, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Cơ bản đồng ý với các đề xuất của tỉnh, Thủ tướng giao cho các bộ, ngành phối hợp với tỉnh nghiên cứu, rà soát để tổ chức triển khai, thực hiện.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức mình để ủng hộ tỉnh thực hiện “Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I Di tích Kinh thành Huế”. Trong đó, năm nay sẽ di dời khoảng 600 hộ dân trong tổng số 4.200 hộ. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là việc lớn nên tỉnh cần thực hiện đúng theo tinh thần mà Thủ tướng đã kết luận tại buổi làm việc trước về vấn đề này. Thủ tướng cam kết tiếp tục hỗ trợ nguồn ngân sách Trung ương cùng với ngân sách địa phương để thực hiện.

Thủ tướng lưu ý tỉnh Thừa Thiên Huế phải có biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi vui tươi, lành mạnh, an toàn…
Thủ tướng lưu ý tỉnh Thừa Thiên Huế phải có biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi vui tươi, lành mạnh, an toàn…

Thủ tướng chia sẻ rất ấn tượng Huế khi giữ gìn được môi trường, cảnh quan sinh thái, nhất là hai bên sông Hương và yêu cầu “không phát triển ồ ạt với tốc độ đô thị cao, cần chú trọng phát triển du lịch”. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chất lượng cao. Đồng thời cần có sự chuyển đổi nông nghiệp hợp lý, nông nghiệp phục vụ cho du lịch; tiếp tục đi đầu trong xây dựng chính phủ điện tử, trong đó có xây dựng đô thị thông minh, thúc đẩy cải cải cách hành chính mạnh mẽ hơn.

Về công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, Thủ tướng nhấn mạnh Thừa Thiên Huế là tỉnh đầu tiên Thủ tướng tới kiểm tra công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhưng các tỉnh thành khác trong cả nước đều phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 34 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên Đán năm 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm mà Thủ tướng mới ban hành vào tháng 12 vừa qua. 

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lo Tết là phải lo trực tiếp cho người dân, trước hết là cho người nghèo, gia đình chính sách, vùng thiên tai, vùng cao, vùng sâu, không để hộ chính sách và hộ nghèo “đứt” bữa trong dịp Tết; hàng hóa chuẩn bị trong dịp Tết phải đảm bảo chất lượng, giá cả, an toàn thực phẩm; đồng thời bảo đảm an ninh trật tự cho người dân, nhất là ATGT, cháy nổ và chống buôn lậu, gian lận thương mại trong dịp Tết.

Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, tỉnh phải chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi thông qua việc tổ chức các hoạt động vui chơi, lễ hội; đồng thời có biện pháp ngăn chặn các hành vi thiếu văn hóa tại lễ hội.

“Các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước quán triệt, thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội; dành thời gian đi thăm hỏi các gia đình chính sách, các hộ nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ. Ngay sau kỳ nghỉ tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh...”- Thủ tướng lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác chuẩn bị Tết Nguyên Đán 2019 tại Thừa Thiên Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO