Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Giữ ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu

01/09/2015 00:00

(TN&MT) – Đó là thông tin về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2015 diễn ra trong 2 ngày 31/8 và 01/9 mà Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã thông tin khi ông chủ trì buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2015 diễn ra chiều tối 01/9.

Tham dự buổi họp báo còn có Thứ trưởng các Bộ: Thông tin truyền thông, Văn hóa thể thao và du lịch, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… cùng lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2015. Ảnh: Chinhphu.vn
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2015. Ảnh: Chinhphu.vn

Kế hoạch 2016 có thể cao hơn kế hoạch năm 2015

Theo Văn phòng Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2015, các thành viên Chính phủ dành phần lớn thời gian tập trung phân tích, đánh giá và thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm, dự báo cả năm 2015, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách Nhà nước 2016…

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhìn tổng thể tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục ổn định, chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa, xã hội. Trong 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đề ra cho kế hoạch năm 2015 tại Nghị quyết Quốc hội, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt. Những kết quả đạt được tạo điều kiện thuận lợi, tạo tiền đề để cho thấy khả năng, trước hết là những tháng cuối năm nếu không có gì biến động đột xuất thì chúng ta hoàn toàn có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và gắn với đó là có tiền đề, triển vọng, có căn cứ, có cơ sở để đưa ra kế hoạch 2016 cao hơn kế hoạch năm 2015.

Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 chiều 01/9. Ảnh: Việt Hùng
Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 chiều 01/9. Ảnh: Việt Hùng

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu lên những hạn chế, yếu kém cả chủ quan và khách quan của nền kinh tế mà các bộ, ngành, địa phương cần hết sức lưu ý, không thể chủ quan, lơ là, trong đó nổi lên là những khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với nông sản; những biến động của tình hình kinh tế quốc tế khi Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mỗi biến động của tình hình đều có tác động tức thì và trực tiếp tới nước ta ở cả hai mặt là tích cực và tiêu cực, như những biến động về giá dầu, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, sự tăng trưởng thấp của các nền kinh tế lớn như Nga, Trung Quốc…

“Những biến động, thách thức này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chúng ta trong việc nắm sát tình hình. Phải nâng cao năng lực phản ứng chính sách; nhanh nhạy, kịp thời nhưng phải đòi hỏi chính xác, phải hiệu quả. Sự vật, hiện tượng đều có hai mặt, đòi hỏi phải ứng phó, phát huy mặt tích cực, đồng thời hạn chế tối đa mặt tiêu cực; không những thế, khả năng ứng phó còn đòi hỏi biến thách thức thành cơ hội, thành thuận lợi”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định tinh thần chung là phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra từ đầu năm; cho đây cũng là những hành động thiết thực, cụ thể chào mừng đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.“Tôi đề nghị các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ; phát huy những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, thuận lợi để phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đã được đề ra”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói.

Tập trung giữ ổn định kinh tế vĩ mô

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, cần tiếp tục giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa để kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; giữ vững sự ổn định về tỉ giá, lãi suất để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, làm ăn; thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt cho được mục tiêu về xuất nhập khẩu năm 2015, phải tăng xuất khẩu 10% và nhập siêu chỉ 5%, việc này hoàn toàn có thể làm được trong khả năng; bảo đảm cân đối thu chi ngân sách, phấn đấu thu ngân sách Nhà nước ở mức cao nhất, đi liền với đó là triệt để thực hành tiết kiệm chi; bảo đảm cán cân thanh toán, cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Không ngừng bổ sung, hoàn thiện thể chế, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; cho phục hồi sản xuất, kinh doanh và đầu tư nước ngoài mạnh hơn nữa….

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến phát biểu cho rằng, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô phải luôn được đặt lên hàng đầu bởi đây chính là nền tảng, là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, cần đề ra các giải pháp hiệu quả hơn nữa để tiếp tục bảo đảm cho tăng trưởng và phát triển; đồng thời quyết liệt hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện đất nước đã hội nhập quốc tế sâu rộng; cùng với đó là thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, nhiều ý kiến đề xuất cần hết sức quan tâm khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải; tăng thêm quyền chủ động và tự chủ của các cấp, các ngành trong việc phân bổ vốn cho các dự án cụ thể, đồng thời tăng cường quản lý, quy định chặt chẽ các điều kiện và căn cứ pháp lý trong việc bố trí vốn đầu tư; tập trung bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên trong từng chương trình mục tiêu

Về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, các ý kiến thảo luận tại phiên họp thống nhất giảm tối đa số lượng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 theo hướng lồng ghép các chương trình có cùng mục tiêu, nhiệm vụ. Theo đó sẽ thu gọn từ 61 còn 21 chương trình. Thủ tướng nêu rõ: “Nguyên tắc chỉ loại bỏ các mục tiêu trùng lắp, không phù hợp nay đã hoàn thành, chứ không bỏ sót mục tiêu, nhiệm vụ chi nào. Các nhiệm vụ cần phải chi, nhất là chi cho con người thì không được cắt giảm…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: “Các đồng chí đã phát biểu hết sức tâm huyết, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao, cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần này, tất cả cũng là vì lợi ích của nhân dân, của đất nước; qua đó tìm ra cách làm tốt nhất, hiệu quả nhất, có lợi nhất; làm tốt vai trò, trách nhiệm của Chính phủ đối với đất nước, đối với nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Tại buổi họp báo, nhiều cầu hỏi của phóng viên liên quan đến các vấn đề nhân sinh, tuyển sinh, đầu tư, ảnh hưởng của sự mất giá đồng Nhân dân tệ với nền kinh tế… đã được đại diện lãnh đạo các bộ ngành trả lời. Phóng viên baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến độc giả trong các bản tin tiếp theo.

Việt Hùng - Minh Tuấn

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Giữ ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO