Thủ tướng mong muốn Việt Nam vào nhóm 15 quốc gia phát triển nhất về nông nghiệp

03/01/2019 15:08

(TN&MT) - Sáng 03/01 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành phố nhằm tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự, chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng mong muốn Việt Nam vào nhóm 15 quốc gia phát triển nhất về nông nghiệp.

TTg 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị. Ảnh: Việt Hùng

Đồng chủ trì Hội nghị với Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Tham dự hội nghị ở đầu cầu Hà Nội có: Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành, một số Ủy ban của Quốc hội và một số Hiệp hội sản xuất, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT...

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018, ngành nông nghiệp đã đạt được kết quả cao, toàn diện, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất hơn về 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Việt Hùng

Các chỉ tiêu chủ yếu đều vượt kế hoạch cả năm và cao hơn năm trước. GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây. Giá trị sản xuất tăng 3,86%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 42,4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017, thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD.

Về lĩnh vực trồng trọt, các địa phương đã chuyển 105.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn; Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu, như thịt lợn đông lạnh chính ngạch sang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản. Tổng sản lượng thịt hơi 5,36 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2017. Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 3,98%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,1%).

Ở lĩnh vực thủy sản, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,75 triệu tấn, tăng 6,1%; trong đó khai thác đạt 3,6 triệu tấn, tăng 5,3%, nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 6,7%. Giá trị sản xuất tăng 6,5%, vượt mục tiêu đề ra (5,29%); Với ngành lâm nghiệp, Việt Nam và EU đã chính thức ký kết VPA/FLEGT về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC là 245.061 ha, tăng 110.081 ha so với năm 2015. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; sản lượng gỗ khai thác trong nước đạt 12,8 triệu m3, là những chỉ tiêu đạt cao nhất từ trước đến nay. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 6,10%...

Các BT
Các Bộ trưởng tham dự Hội nghị. Ảnh: Việt Hùng

Trong xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp đã giải quyết dứt điểm nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, cả nước có 3.787 xã (42,4%) và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 718 xã (8,05%) và 18 huyện so với năm 2017.

Thay mặt lãnh đạo Bộ NN&PTNT Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; Thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro, trong khi năng lực quản trị, công tác dự báo cung, cầu còn bất cập; Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, quản lý ATTP vẫn rất khó khăn, phức tạp. Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn…

Về nhiệm vụ triển khai kế hoạch năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đây là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Trong năm 2019, ngành nông nghiệp sẽ phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.

BT Cường
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trình bày báo cáo năm 2018 và kế hoạch năm 2019 ngành NN&PTNT. Ảnh: Việt Hùng

Trong năm 2019, toàn ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỷ USD; có 50% xã và ít nhất 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng trên 41,85%...

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, Ngành, Địa phương đã phát biểu đóng góp cho Bộ NN&PTNT để quán triệt các giải pháp, đề ra chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ với tinh thần “tăng tốc, bứt phá”, để năm 2019 đạt kết quả cao hơn năm 2018.

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả đã đạt được của toàn ngành Nông nghiệp trong năm 2018.

Thủ tướng cho rằng, bức tranh nông nghiệp năm 2018 đã đạt kết quả vượt bậc, có nhiều điểm sáng, điểm mới, có những bứt phá ngoạn mục, đạt thành tích xuất sắc, toàn diện. Và điều quan trọng nhất là đời sống người dân được nâng lên, mà theo Thủ tướng, “cái đó mới là cuối cùng”.

Đó là việc tái cơ cấu đúng hướng nên nhiều loại sản phẩm có sản lượng lớn đã xuất hiện ở Việt Nam. Từ đó, ngành nông nghiệp đóng góp vào xuất khẩu vượt mức kế hoạch và đứng thứ 2 Đông Nam Á về xuất khẩu nông nghiệp. Đi liền với đó là thị trường tiêu thụ được mở rộng. Đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã được củng cố và đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn. Điều đáng mừng là có 18 nhà máy chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động. “Điều chúng ta cần quan tâm và đã làm được một phần quan trọng trong tổ chức là tiêu thụ trong nước. Chúng ta đã chủ động xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” - Thủ tướng nói.

ĐB Tham luận
Đại biểu tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Việt Hùng

 Bên cạnh việc biểu dương những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập như tỷ lệ lao động nông nghiệp còn lớn (khoảng 38%). Cơ cấu lại nông nghiệp được triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh tế hộ nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao. Môi trường nông thôn còn là vấn đề lớn. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra. Thất thoát sau thu hoạch còn có tỷ lệ cao.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 và thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu: Ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản, phải vào tốp 10 của thế giới. Phải phấn đấu trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản hàng đầu thế giới, là nơi sản xuất tôm lớn của thế giới.

Thủ tướng nêu rõ, tăng trưởng nông nghiệp phải đạt cao, ít nhất là 3%, xuất khẩu khoảng 42-43 tỷ USD. Thủ tướng đề nghị các đồng chí tìm tòi mọi cách, phát huy mọi sáng tạo để thực hiện đạt cao hơn mục tiêu đưa ra. Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng cho rằng chúng ta cần có các giải pháp như: phải có thể chế pháp luật tốt, phải xóa bỏ những quy định lạc hậu để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến...

Vấn đề thứ 2, theo Thủ tướng, đó là tái cơ cấu mạnh mẽ hơn mô hình tăng trưởng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc xây dựng sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm chủ lực của địa phương; Thứ 3, đó là làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cả cân đối cung cầu, cả phát triển thị trường mới và đặc biệt là xây dựng thương hiệu trong nông nghiệp, từ gạo đến tôm, đến giống lúa, cá tra…

Vấn đề thứ 4, đó là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ sinh học, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, không phải nông nghiệp ở ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Toàn cảnh
Toàn cảnh Hội nghị sáng 3/1 tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng

Về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng lưu ý, cần chú trọng tiêu chí thu nhập của người dân, “đừng bị bệnh thành tích, chỉ có hình thức mà chính là đời sống của người dân ở các vùng chúng ta xây dựng nông thôn mới như thế nào”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị, theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động làm công tác tham mưu chỉ đạo ứng phó với thiên tai, không để bị động bất ngờ. Phải tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng về quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, khắc phục những tồn tại mà năm 2018 chúng ta chưa làm tốt.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành nông nghiệp cần phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng mạnh mẽ hơn để đưa các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Quan tâm đào tạo cán bộ khoa học công nghệ cho nông nghiệp, cán bộ quản lý nông nghiệp, cán bộ am hiểu về công nghệ chế biến, công nghệ thực phẩm, nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao…

“Với kết quả vừa qua và qua Hội nghị hôm nay, một niềm tin mới, nhận thức mới, một hành động quyết liệt vì nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, hướng về tiêu dùng, xuất khẩu để nông dân nước ta, doanh nghiệp nước ta về nông nghiệp khá hơn, giàu hơn. Vì thế, tôi xin nói lại, thể chế chính sách, tạo môi trường đầu tư vào nông nghiệp cùng với hành động, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của cán bộ nông nghiệp các cấp sẽ đóng góp vào thành công của nông nghiệp Việt Nam năm 2019. Về mục tiêu dài hạn, ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất…” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng mong muốn Việt Nam vào nhóm 15 quốc gia phát triển nhất về nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO