Thủ tướng mong muốn Quảng Ninh sẽ là đầu tàu kinh tế phát triển của đất nước

23/12/2016 00:00

(TN&MT) - Chiều 22-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để đánh giá tổng thể tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh. Thủ tướng Chính phủ đặt kỳ vọng và niềm tin Quảng Ninh sẽ là đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Lê Qúy Vương cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Tỉnh Quảng Ninh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh

Xây dựng Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế của cả nước

Báo cáo với Thủ tướng về kết quả đạt được trong thực hiện hiện nhiệm vụ năm 2016, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm nay ước đạt trên 10%, tổng thu ngân sách đạt 36.000 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 4.050 USD; tổng thu ngân sách ước đạt 36.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt mức cao nhất từ trước đến nay (24.000 tỷ đồng). Về môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng 3 cả nước, chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 6 cả nước...

Bày tỏ vui mừng về những kết quả tỉnh Quảng Ninh đạt được thời gian qua, Thủ tướng biểu dương tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Ninh.

Cho rằng, tầm nhìn của tỉnh Quảng Ninh phải trở thành trung tâm kinh tế động lực của Bắc Bộ và cả nước, trung tâm giao lưu quốc tế, một điểm đến cho nhà đầu tư, du khách, hàng hóa và những ý tưởng sáng tạo đột phá, Thủ tướng kỳ vọng tỉnh Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước trong nhiệm kỳ này, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm. "Tôi thực sự mong muốn rằng, Quảng Ninh sẽ trở thành 1 Việt Nam thu nhỏ có sức sống mới, mạnh mẽ toàn diện, là đơn vị đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng phát biểu trong buổi làm việc với Tỉnh Quảng Ninh
Thủ tướng phát biểu trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh

Đề cập nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, một địa phương khi thành công phải hội tụ được 3 yếu tố là môi trường đầu tư thuận lợi, doanh nghiệp tốt, người làm giỏi. Do đó, Quảng Ninh cần phải tìm được mô hình đột phá, cải thiện môi trường kinh doanh tốt thì thu hút được nhà đầu tư, thu hút được người giỏi và doanh nghiệp. Nếu có môi trường sống tốt sẽ thu hút được người giàu. Động lực tăng trưởng của Quảng Ninh phải dựa trên năng suất, ứng dụng công nghệ, tính năng động và đổi mới sáng tạo.

Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Thủ tướng báo cáo Bộ Chính trị sớm cho phép thành lập Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn; chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội phê chuẩn Luật Khu hành chính-kinh tế đặc biệt trong năm 2017. Về vấn đề này, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã biểu quyết thông qua vấn đề này tại phiên họp thường kỳ tháng 11 vừa qua và thống nhất việc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, trong đó có Vân Đồn và yêu cầu tỉnh Quảng Ninh sớm hoàn thiện Đề án để trình cơ quan có thẩm quyền. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, báo cáo Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. "Phải xây dựng luật để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với đoàn làm việc Chính phủ với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh
Thủ tướng và đoàn công tác Trung ương chụp ảnh lưu niệm với với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh

Phát triển kinh tế "Xanh" và bảo vệ môi trường toàn diện

Quảng Ninh là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, có nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú và nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Để biến tiềm năng, lợi thế này thành động lực cho phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” bảo đảm cho phát triển bền vững.

Về bảo vệ môi trường, tỉnh đã hoàn thành dự án hỗ trợ kỹ thuật bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, hoàn thành di dời các làng chài lên bờ, đã đầu tư xây dựng 26 trạm quan trắc môi trường tự động cùng nhiều những quy hoạch và đề án phát triển, bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị với Tỉnh Quảng Ninh về lĩnh vực Tài Nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá cao trong định hướng phát triển, Quảng Ninh là một tỉnh rất quan tâm môi trường. Hiện nay đã có quy hoạch môi trường gắn với quy hoạch phát triển, phân vùng môi trường, phân khu phát triển kinh tế rất rõ ràng. Trong đó đã phân ra những khu vực để bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường tích cực, đây là một điểm mà có ít tỉnh thực hiện được.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng rất hoan nghênh mục tiêu phát triển kinh tế trong tương lai của tỉnh đang chuyển hướng mạnh mẽ từ “nâu” sang “xanh”. Trước đây, nguồn thu lớn của tỉnh là từ khai thác than nhưng hiện nay tổng thu ngân sách ngành than đã ngày càng giảm đi chỉ còn khoảng 20%, thay vào là dịch vụ, du lịch. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ không khai thác lộ thiên và cần có chuyển đổi để nâng cao công nghệ của mình để nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời bảo vệ ô nhiễm môi trường.

Góp ý với Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà lưu ý, Quảng Ninh là tỉnh có du lịch phát triển mạnh mẽ và được Thế giới biết đến là nhờ có di sản Vịnh Hạ Long và chính Vịnh Hạ Long đã quảng bá cho Quảng Ninh. Chính vì thế cùng với phát triển các dự án đầu tư thì cần lưu ý đến bảo vệ môi trường, nhất là các dự án lấn biển, kè biển. Bộ trưởng cũng cho biết, đây là vịnh kín, giao thoa nước là rất kém nên cần quan tâm đến phòng ngừa sự cố, giám sát chất lượng nước thải tự động để bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới.

Vấn đề hạ tầng môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đây là một vấn đề cũng rất quan trọng để phát triển đô thị và đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm đến vấn đề quản lý chất thải và nước thải, trong đó đặc biệt quan tâm đến hạ tầng thu gom nước và thoát nước. Đây là vấn đề vừa cấp bách trước mắt vừa cơ bản lâu dài, có tác động trực tiếp tới nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

Đề cập nhiệm vụ thời gian tới cho Quảng Ninh trong lĩnh vực tải nguyên - môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ TN&MT tiếp tục giám sát, hỗ trợ tỉnh trong các công tác quản lý, lập các dự án, thuê chuyên gia... để Quảng Ninh sớm hoàn thành được các mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, đối với tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng cũng cho biết tỉnh cần phải phát triển đi đôi với bảo tồn, nhất là bảo tồn phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long. Tăng cường quảng bá xây dựng thương hiệu du lịch, chú ý liên kết vùng, khu vực ở các địa phương để phát huy lợi thế của mình. Tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, văn minh đô thị, xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp.

Cũng trong chuyến công tác tại Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thị sát một số dự án tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như Cảng hàng không Quảng Ninh có tổng vốn đầu tư 7.400 tỷ đồng, khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn có tổng vốn đầu tư 4.957 tỷ đồng.

Trước đó, sáng 22/12, tại huyện Vân Đồn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Trung ương đã đến thăm, làm việc với Lữ đoàn 242, Quân khu 3.

Khương Trung

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng mong muốn Quảng Ninh sẽ là đầu tàu kinh tế phát triển của đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO