Thủ tướng dự lễ khởi công một số dự án kinh tế trọng điểm tại Thái Bình

14/02/2019 15:46

(TN&MT) - Sáng ngày 14/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công xây dựng một số dự án kinh tế trọng điểm tại tỉnh Thái Bình. Đây là những dự án hạ tầng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình, thể hiện tinh thần quyết liệt của “quê lúa” bắt tay ngay vào sản xuất ngay từ những ngày đầu năm sau kỳ nghỉ Tết. 

Cùng dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương.

ThaiBinh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ chào cờ.

Sáng 14/2, phát biểu tại lễ khởi công dự án đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công trình đóng vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng cho không chỉ tỉnh Thái Bình mà còn vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng về thăm tỉnh Thái Bình, dự sự kiện quan trọng này khi Thái Bình đang nổi bật lên là tỉnh kiểu mẫu về ý Đảng lòng dân trong nông nghiệp. Bởi, “nếu không như vậy thì làm sao người dân tin tưởng và tự nguyện giao đất cho chính quyền xã quản lý và ký hợp đồng việc cấp đất với thời hạn 20 - 30 năm trở lên”, Thủ tướng bày tỏ. Và nhờ vậy, các nhà đầu tư tiếp cận đất đai thuận lợi và hiệu quả. “Chúng ta vui mừng và xúc động bởi lẽ chúng ta đã rất năng động, sáng tạo trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, Thủ tướng nói.  Môi trường đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng ở Thái Bình và một số địa phương ngày càng hấp dẫn các tập đoàn lớn, bằng chứng là đã thu hút các nhà đầu tư có tài sản nhiều tỷ USD về đây làm nông nghiệp. Rõ ràng Thái Bình phải cực kỳ năng động mới làm được những điều như vậy.

ThaiBinh5
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ khởi công dự án đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình

 

Thủ tướng nhấn mạnh tuyến đường giúp Thái Bình kết nối với tam giác phát triển là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Ngoài ra, công trình còn giúp Thái Bình kết nối với dự án cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), cửa ngõ giúp lưu thông hàng hóa ra nước ngoài. Từ Thái Bình có thể dễ dàng kết nối các tỉnh Nam Định và Sân bay quốc tế Cát Bi, cảng biển, cửa khẩu tại Hải Phòng, Quảng Ninh…

"Tôi mong muốn chủ đầu tư sẽ thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng. Những người dân nhường đất cho dự án phải được hưởng lợi từ chính dự án này", Thủ tướng nói.

Theo thiết kế, tuyến đường có điểm đầu kết nối với tuyến ven biển TP Hải Phòng, điểm cuối kết nối với tỉnh Nam Định, tổng chiều dài hơn 34 km. Tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 1.100 tỷ đồng, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác 1.593 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư BOT 1.289 tỷ đồng.

Theo quy hoạch đường bộ ven biển Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt thì đoạn đi qua tỉnh Thái Bình nằm trong tổng thể tuyến đường bộ ven biển Quảng Ninh - Thanh Hóa được đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2015. 

Trong 34 km sắp được xây dựng có đoạn qua huyện Thái Thụy dài 11,6 km, qua huyện Tiền Hải dài 22 km và qua huyện Giao Thủy (Nam Định) dài 0,72 km. Tuyến đường được xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, rộng 12 m với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. 

Toàn tuyến có tới 12 cầu, trong đó có 5 cầu lớn vượt sông Trà Lý, sông Hồng, sông Diên Hộ, sông Lân 1 và sông Lân 2 cùng 7 cầu trung và nhỏ. Các cầu lớn được thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực theo công nghệ dầm đúc hẫng, chịu động đất cấp VII, tải trọng va tàu 2.000 DWT.

Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao).

Cũng tại Thái Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình nằm trong tổ hợp nhiệt điện Thái Bình 1 tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

ThaiBinh1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình nằm trong tổ hợp nhiệt điện Thái Bình 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá dự án nhà máy điện Thái Bình 1 có công nghệ hiện đại, đóng góp một phần điện năng không nhỏ cho nền kinh tế.

“Việc hoàn thành và đưa vào vận hành nhà máy là niềm vinh dự to lớn của ngành điện, là kết quả vượt bậc của sự nỗ lực của tổng thầu và các đơn vị đến từ Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam”, ông nói.

Thủ tướng yêu cầu ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm vận hành an toàn tin cậy, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra ô nhiễm môi trường. Ông cũng đề nghị tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương và nhân dân địa phương về an toàn môi trường.

Nhân sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thông tin về dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (nằm cạnh nhà máy mới khánh thành). Đây là dự án liên quan đến vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Thủ tướng cho biết đã báo cáo Bộ Chính trị để tiếp tục triển khai dự án nhiệt điện Thái Bình 2 sau một thời gian tồn tại kéo dài. Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư là PVN sớm hoàn thiện và đưa vào vận hành dự án vào năm 2020, qua đó hoàn thành Trung tâm nhiệt điện Thái Bình vào năm 2020. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, EVN tiếp tục nỗ lực thu hút các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các nhà máy điện để bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước.

Nhiệt điện Thái Bình 1 được đầu tư bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Dự án được khởi công ngày 22/2/2014 với tổng mức đầu tư khoảng 26.500 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 85%, còn lại 15% vốn đối ứng của EVN.

ThaiBinh3
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo nhà máy nhiệt điện
ThaiBinh2
Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương thăm quan nhà máy

Nhà máy gồm 2 tổ máy với tổng công suất 600 MW (2x300 MW). Sau khi đưa vào vận hành thương mại, nhà máy Nhiệt điện Thái Bình sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện là hơn 3,2 tỷ kWh/năm.

Theo lãnh đạo EVN, việc nhà máy đi vào hoạt động có ý nghĩa to lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa của tỉnh Thái Bình và một số tỉnh lân cận của đồng bằng Bắc Bộ, cũng như bổ sung thêm nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia.

Cũng trong sáng ngày 14/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ khởi công dự án bệnh viện đa khoa quốc tế FLC với 1.000 giường bệnh. Công trình được xây dựng trên diện tích gần 122.000 m2 với 9 công trình xây dựng chính là nhà khám và điều trị ngoại trú, siêu âm...

Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa tỉnh Thái Bình, Bộ Y tế và Tập đoàn FLC.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đầu tư cho sức khỏe là đầu tư cho phát triển trước mắt và lâu dài. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho trên 90 triệu người dân Việt Nam là rất lớn trong khi nguồn vốn ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng đủ. Do đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư là một chủ trương mà Chính phủ và Bộ Y tế khuyến khích.

Bộ trưởng Y tế hy vọng, cùng với Đại học Y – Dược Thái Bình, là cơ sở đào tạo nhân lực y tế chủ yếu cho một số tỉnh đồng bằng sông Hồng và dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình cũng như một số công trình khác, Thái Bình có thể trở thành một trung tâm dịch vụ y tế - đào tạo nhân lực chất lượng cao. Bộ trưởng đánh giá cao tầm nhìn chiến lược đầu tư của FLC khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực y tế, một lĩnh vực đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao.

Bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quan tâm, có những quyết sách và chỉ  đạo cụ thể, kịp thời, khơi dậy được niềm tin và quyết tâm đầu tư mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân thời gian qua, lãnh đạo Tập đoàn FLC cho biết, đây sẽ là dự án mở đầu cho kế hoạch đầu tư và vận hành chuỗi bệnh viện đa khoa quy mô lớn trên cả nước của Tập đoàn trong những năm tới.

Lãnh đạo FLC cam kết, sẽ tập trung nhiều nguồn lực để triển khai và hoàn thành dự án quan trọng này ngay trong năm 2020.

Mục tiêu của tập đoàn FLC khi quyết định đầu tư dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế Thái Bình được khởi công lần này là xây dựng một trung tâm khám chữa bệnh quy mô lớn, chất lượng cao nhất, đáp ứng nhu cầu của không chỉ người dân trong tỉnh mà còn của người dân cả nước.

Tại buổi lễ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Y tế, tỉnh Thái Bình và Tập đoàn FLC đã ký kết hợp tác về dự án này.

bệnh viện FLC
Lễ ký kết hợp tác giữa Bộ Y tế, tỉnh Thái Bình và tập đoàn FLC về dự án bệnh viện đa khoa quốc tế Thái Bình. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Dự án bệnh viện Đa khoa Quốc tế 1.000 giường tọa lạc tại khu trung tâm y tế tỉnh (phường Trần Lãm và xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình) có quy mô 12ha và tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 3.700 tỷ đồng.

Dự án sẽ bao gồm 9 hạng mục chính, trong đó có khu nhà khám liên khoa; khu vực khoa truyền nhiễm và khoa chống truyền nhiễm; khu công trình hạ tầng kỹ thuật; nhà dịch vụ tổng hợp và bán trú; cây xanh cảnh quan…

Dự án được xây dựng với mục tiêu trở thành một bệnh viện đa khoa hạng I với số lượng 1.000 giường bệnh và các chuyên khoa sâu tương đương bệnh viện tuyến Trung ương.

Giai đoạn 1 của dự án với quy mô 500 giường bệnh dự kiến sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động vào đầu năm 2022, nhằm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tỉnh và các khu vực lân cận.

Trước đó, vào hồi tháng 9/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đồng ý với đề xuất của Tập đoàn FLC về việc xây dựng khu công nghiệp y dược công nghệ cao FLC Vân Đồn tại Quảng Ninh, dự kiến sẽ là tổ hợp khu công nghiêp y dược công nghệ cao đầu tiên tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng dự lễ khởi công một số dự án kinh tế trọng điểm tại Thái Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO