Hội nghị nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2018, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2018.
Không được để kẻ xấu, phản động kích động nhân dân
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình hình kinh tế xã hội đang phát triển theo hướng tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó nổi bật là GPD tăng, cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ, trong đó nông nghiệp tăng cao nhất.
“Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trên 6,8%, lạm phát vẫn giữ được 4%. Theo xếp hạng tín nhiệm Fitch, Việt Nam là nước tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó là nhận định của người ta, của định chế tài chính lớn, phân tích khách quan nhưng ta có làm được điều đó không, chính là do quyết tâm của chúng ta, đổi mới sáng tạo của chúng ta trong chỉ đạo, điều hành.. ” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin.
Đề cập đến việc trong 6 tháng cuối năm, sức ép lạm phát rất lớn. CPI vừa qua lên mức 0,61%, cao nhất 7 năm qua, chủ yếu từ xăng dầu, ăn uống, giao thông, vật liệu xây dựng… Thủ tướng cho rằng trong nửa năm còn lại, cần phải có các giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực để kiểm soát lạm phát không quá 4%, giá điện, giá dịch vụ y tế phải đủ điều kiện mới được tăng. Tạo nền tảng phát triển kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững.
Về an sinh xã hội, Thủ tướng cho rằng thời gian vừa qua là an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống người dân được cải thiện với cùng kỳ. Đa số người dân tin tưởng, ghi nhận những kết quả đạt được.
Thủ tướng cũng biểu dương lãnh đạo nhiều địa phương khi chủ động, quyết liệt tạo điều kiện cho địa phương phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 18 vấn đề trọng tâm cần tập trung thảo luận: Kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội...
Bên cạnh đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh 3 vấn đề bức xúc, đề nghị các địa phương chú tâm hơn. Thứ nhất, thiên tai đang rình rập, không chỉ ở Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, không chỉ ở phía Nam và miền Trung mà sắp tới phải có biện pháp tốt hơn nữa phòng chống thiên tai, hỗ trợ người dân.
Thứ hai, vấn đề an ninh trật tự. Sự việc xảy ra tại Bình Thuận ngày 10-11/6 vừa qua là bài học kinh nghiệm chung cho các địa phương khác trong việc giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân. Thủ tướng cho biết: Chúng ta có đủ khả năng, đủ điều kiện lập lại trật tự xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân, để đất nước phát triển đúng hướng. “Chúng ta không được để kẻ xấu, phản động kích động nhân dân. Lực lượng của chúng ta cơ bản chủ động, nhân dân đồng tình, nhưng còn có tỉnh chủ quan. An ninh trật tự là việc quan trọng, là điều kiện tiên quyết để tạo môi trường đầu tư, ổn định phát triển kinh tế xã hội” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thứ ba, Thủ tướng cho rằng còn nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội, được nhiều ĐHQH nêu ý kiến vừa qua, không chỉ an toàn giao thông, lừa đảo ngoài xã hội, xâm hại trẻ em, bạo lực lao động, an toàn thực phẩm, tham nhũng, lợi ích nhóm...
Thủ tướng cho rằng những vấn đề xã hội đang diễn ra làm nhức nhối trong quản lý xã hội, do đó lãnh đạo bộ ngành, địa phương phải có trách nhiệm với nhân dân về vấn đề này, không để tình trạng bức xúc xã hội kéo dài gây ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, đến niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. “Lòng dân cần phải được quan tâm, cần phải coi lợi ích chính dáng của nhân dân là yêu cầu hết sức cần thiết hiện nay của các cấp bộ ngành trong đối thoại, trong xử lý công việc” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm cao nhất kể từ năm 2011
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2018 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày nêu rõ: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011.
Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng hơn 13%. Xét ở khía cạnh tiêu dùng, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá và cán cân thương mại thặng dư cho thấy xu hướng cải thiện trong tăng trưởng vẫn được duy trì.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân…
Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm. Mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý I (sau khi đánh giá lại) đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng. Tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý III và 6,36% vào quý IV.
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%. Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%. Giá dầu thế giới đã có xu hướng chững lại, giảm được sức ép lên giá cả, lạm phát trong nước và kích thích sản xuất nhưng dự kiến còn 2 đợt giá cả có thể tăng cao, là vào dịp bắt đầu năm học mới và tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, cháy nổ, tai nạn giao thông có diễn biến phức tạp. Lũ sớm đã xảy ra tại các tỉnh miền núi phía bắc, nhất là Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thiên tai trong 6 tháng đầu năm đã làm 33 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính khoảng 808 tỷ đồng.
Đang trong mùa hè nóng nực và chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, công tác phòng, chống thiên tai, cháy nổ và tai nạn giao thông cần được đặc biệt quan tâm nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra, bảo đảm ổn định xã hội và bảo vệ thành quả phát triển kinh tế-xã hội đã đạt được trong thời gian qua…
Sau báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Hội nghị đã nghe Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương… trình bày báo cáo của địa phương…
Hội nghị đang tiếp tục diễn ra, Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.