Thủ tướng chủ trì Hội nghị "Đồng hành cùng doanh nghiệp"

17/05/2017 00:00

(TN&MT) - Sáng 17/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị sáng 17/5
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị sáng 17/5

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ - Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng lãnh đạo các các Ban, Bộ, Ngành trung ương, các vị Đại sứ, các Đoàn ngoại giao…

Tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu. Dự kiến, tổng cộng khoảng gần 10.000 đại biểu sẽ dự Hội nghị.

Thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Vụ Pháp chế và Văn phòng Bộ… tham dự Hội nghị.

Khoảng 2.000 đại biểu trực tiếp tham dự Hội nghị, gấp 4 lần Hội nghị năm 2016, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị

Phát huy nội lực của doanh nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cách đây đúng một năm, Nghị quyết 35/NQ-CP đã được tập thể Chính phủ đồng thuận ban hành trên cơ sở tiếp thu, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2016.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tổ chức Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Nghị quyết 35 cùng với Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Nghị quyết 60 về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công hình thành các giải pháp quan trọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát huy tối đa nội lực của doanh nghiệp trở thành động lực phát triển của nền kinh tế.

Theo Thủ tướng, với sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp đã có những bước phát triển tích cực, góp phần vào ổn định kinh tế - xã hội, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được đảm bảo; huy động vốn cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh; đầu tư khu vực tư nhân chuyển biến mạnh mẽ, niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp tăng lên.

“Để đạt được các kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp cả nước ở cả 3 khu vực: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI và khu vực hợp tác xã. Mặc dù còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã quyết tâm vượt khó vươn lên, làm giàu cho mình và cho đất nước…” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội nghị sáng 17/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội
Quang cảnh Hội nghị sáng 17/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội

Nhận diện và tháo gỡ các khó khan cho Doanh nghiệp

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến những khó khan như: Tình hình thế giới năm 2017 tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới phục hồi chậm, không đồng đều và còn nhiều rủi ro. Giá một số hàng hóa cơ bản và dầu thô vẫn ở mức thấp. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực diễn ra gay gắt, xuất hiện xu hướng bảo hộ nền kinh tế của nhiều thị trường lớn.

Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh nhưng tốc độ tăng GDPđạt thấp, quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2015 và 2016.

Tái cơ cấu kinh tế trong các ngành, lĩnh vực còn chậm, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn ở mức cao. Chính phủ điện tử đưa vào áp dụng đã phần nào tháo gỡ khó khăn, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp nhưng chưa triệt để, doanh nghiệp vẫn phản ánh vướng mắc nhiều trong các vấn đề: đất đai, tín dụng, thuế, hải quan, thị trường, an toàn tài sản…; trình độ công nghệ lạc hậu, yếu kém dẫn đến năng lực cạnh tranh nói chung của khu vực doanh nghiệp còn thấp.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và thương mại trên thế giới.Việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là các Hiệp định FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017 với mục tiêu tổng quát là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ trong thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6-7%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% của cả năm 2017, áp lực lên 9 tháng cuối năm là rất lớn khi phải đạt mức tăng trưởng 7%. Khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, then chốt trong việc thực hiện và đạt được các mục tiêu trên…

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và các đại biểu Trung ương tham dự Hội nghị
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và các đại biểu Trung ương tham dự Hội nghị

Trong khuôn khổ một ngày của Hội nghị, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như:

Thứ nhất, nhận diện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động của doanh nghiệp đang nổi cộm hiện nay liên quan đến các vấn đề về: tiếp cận đất đai, tín dụng, thị trường; quy trình thủ tục trong các lĩnh vực đầu tư kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu…

Thứ hai, cần phải có các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; các chỉ tiêu tăng trưởng về số lượng cũng là tốt rồi nhưng quan trọng hơn là chất lượng hoạt động của doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp tiết giảm chi phí kinh doanh (chi phí vốn vay, vận tải, logistic, môi trường…); ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ ba, bảo đảm quyền tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, giải quyết triệt để hiện tượng chồng chéo, trùng lắp trong công tác thanh tra, kiểm tra; bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, tạo dựng niềm tin, sự an tâm cho doanh nghiệp khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ tư, cơ quan chính quyền các cấp hướng tới phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại; chính sách có rồi thì thực thi thế nào để các cơ quan nhà nước thực sự trở thành người đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trên bước đường thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước trong đó có sự thành công của các doanh nghiệp.

“Các nội dung, hành động phải quyết liệt, bám sát theo đúng 10 nguyên tắc đã đề ra trong nghị quyết. Tôi tin tưởng rằng vói sự đồng hành của Bộ ngành, sự quyết tâm của doanh nghiệp, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.  

Sau phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo sơ kết tình hình 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Tiếp đến, từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trình bày báo cáo kết quả sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo tổng hợp công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp…

Tiếp đến, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hiến kế, kiến nghị; các bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận và sau Hội nghị, Thủ tướng sẽ có Chỉ thị về đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ngay sau Hội nghị, trong buổi chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp.

Phóng viên Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc thông tin từ Hội nghị này trong các bản tin tiếp theo.

Bài và ảnh:Việt Hùng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng chủ trì Hội nghị "Đồng hành cùng doanh nghiệp"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO