Tham dự Hội nghị ở đầu cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành ở trung ương. Ở điểm cầu các tỉnh có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cùng đại diện các Sở, ban, ngành các địa phương; đại diện một số Viện, trường, Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trong lĩnh vực tổ chức sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.
Hội nghị đánh giá thực trạng, xác định giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp gắn với chương trình khoa học công nghệ quốc gia với các chương trình đầu tư và chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp; đặc biệt là việc thu hút các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp tại vùng, địa phương trọng điểm phát triển nông nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp, sáng 21/2. Ảnh: Chinhphu.vn |
Phấn đấu đến năm 2030 “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.
Cùng với đó, cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi (tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cây nông nghiệp đạt 94%; khâu gieo, trồng đạt 42%...). Nhờ đó, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; trong đó hệ thống trang bị động lực, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng nhanh, nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp.
“Năm 2019 so với năm 2011, số lượng máy kéo cả nước tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%, máy sấy nông sản tăng 29%. Đối với công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp, đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ, máy kéo công suất đến 30 mã lực, chiếm trên 30% thị phần trong nước; máy liên hợp gặt lúa chiếm 15%. Hiện cả nước có 7.803 doanh nghiệp cơ khí và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn chứng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đặt mục tiêu “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu và có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với tốc độ giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7-8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản có quy mô lớn, hiện đại, năng lực cạnh tranh quốc tế cao.
Đối với lĩnh vực cơ giới hóa mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80-100%; công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 5-6HP/ha vào năm 2030. Tại những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa mức độ cơ giới hóa được đồng bộ và tiến tới tự động hóa.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ ra những khó khăn và tồn tại của ngành chế biến nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là những thách thức về hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động của biến đổi khí hậu, đe dọa trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, nhất là nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản và trình độ công nghệ thích ứng ngày càng cao của lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp.
Phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến tại địa phương
Để thực hiện thắng lợi những mực tiêu, nhiệm vụ đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đây được xác định là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản; trong đó chú trọng tập trung phát triển các cụm liên kết sản xuất sản xuất - chế biến tại các địa phương, các vùng có lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực.
Đồng thời, lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị vận hành một cách thông suốt, hiệu quả như: Cum liên kết vùng trồng lúa gắn với cơ sở xay xát, bảo quản tại các tỉnh ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng; Cụm liên kết vùng nuôi tôm nước lợ và cá tra gắn với cơ sở chế biến đông lạnh xuất khẩu tại các tỉnh ĐBSCL; Cụm liên kết vùng trồng rau và cây ăn quả gắn với cơ sở bảo quản, chế biến rau quả xuất khẩu tại các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ...
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu; hình thành và phát triển hệ thống logistics đồng bộ gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng các nhà máy chế biến để giảm chi phí sản xuất cho những sản phẩm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao.
Đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị cơ giới hóa trong nông nghiệp và chế biến nông sản; thực hiện áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp để đảm bảo kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ tốt môi trường.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng đào tạo và nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế.
Hiện nay, cả nước có trên 7500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Trong đó:
Lúa gạo, có khoảng 580 cơ sở xay sát gạo quy mô công nghiệp với công suất 10.000 tấn thóc/năm
Rau quả, có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với công suất thiết kế trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm
Cà phê, có 239 doanh nghiệp chế biến quy mô công nghiệp
Cao su, có 161 doanh nghiệp sơ chế mủ cao su với tổng công suất thiết kế 1,22 triệu tấn/năm
Gỗ, có khoảng 4500 cơ sở chế biến gỗ
Thủy sản, có 636 cơ sở chế biến công nghiệp gắn với xuất khẩu và 3000 cơ sở chế biến nhỏ