Thứ trưởng Lê Công Thành làm việc với Trợ lý cấp cao Chủ tịch Thường trực Thượng viện Hoa Kỳ

Phạm Oanh| 30/08/2022 14:22

(TN&MT) - Sáng 30/8, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tiếp và làm việc với ông Tim Rieser, Trợ lý cấp cao Chủ tịch Thường trực Thượng viện Hoa Kỳ.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ Hoa Kỳ và các đối tác đã có nhiều chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Đây là minh chứng sống động cho sự quan tâm và tiềm năng tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt là vấn đề về biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và môi trường.

Hiện nay, tại Việt Nam, hầu hết người dân và các cơ quan chức năng đã có những hiểu biết về tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống và phát triển kinh tế.  Năm 2015-2016, năm 2020-2021, Việt Nam đã trải qua những đợt hạn hán lịch sử. Trong năm 2022, nắng nóng và hạn hán cũng xảy ra trên diện rộng. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương đang rất quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu.

tt-thanh-.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tại buổi làm việc

Hiện, các Bộ, cơ quan liên quan đã tập trung xây dựng các đề án, chiến lược, chương trình hành động để triển khai thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời đã trình Thủ tướng xem xét phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP 26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, goảm phát thải khí các bon và khí mê tan…

Cùng với đó là xây dựng và công bố Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam; Triển khai cập nhật Đóng góp do quố gia tự quyết định (NDC) năm 2022, xây dựng Kế hoạch thích ứng quốc gia và Báo cáo kế hoạch thích ứng của Việt Nam phù hợp với lộ trình phát thải ròng bằng 0.

tim-.jpg
Ông Tim Rieser, Trợ lý cấp cao Chủ tịch Thường trực Thượng viện Hoa Kỳ tại buổi làm việc

Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền đang nghiên cứu xây dựng chương trình giảm dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch trong ngành năng lượng, lồng ghép trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện 8 và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia dến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xây dựng báo cáo rà soát dự án trao đổi tín chỉ các bon rừng, triển khai các sáng kiến thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã tham gia tại Hội nghị COP 26…

Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn ông Tim Rieser tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về giảm phát thải nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là thực hiện cam kết giảm phát thải khí mê tan; hỗ trợ Việt Nam kết nối với các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng có khả năng cung cấp tài chính, tín dụng cho Việt nam cũng như hỗ trợ chuyên môn, công nghệ, nâng cao năng lực để Việt Nam thực hiện được những cam kết, sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu…

toan-canh.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc

Sau những chia sẻ của Thứ trưởng Lê Công Thành, ông Tim Rieser cho rằng, bản thân ông hiểu rõ về những tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống dân sinh cũng như sự phát triển của một quốc gia. Chính vì vậy, ông hoàn toàn ủng hộ và mong muốn được hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu và triển khai các kết quả của COP 26.

Ông Tim Rieser cho biết thêm, sắp tới vào tháng 10, đoàn Thượng viện Hoa Kỳ sẽ tới thăm và làm việc tại Việt Nam. Trong chuyến công tác này, phía Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam chuẩn bị chu đáo những nội dung cần hỗ trợ, hợp tác trong thời gian sắp tới, nhất là những nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, môi trường. Dựa trên những kiến nghị này, ông Tim Rieser và Chính phủ Hoa Kỳ sẽ đưa ra những quyết định hỗ trợ, hợp tác phù hợp với Việt Nam trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thứ trưởng Lê Công Thành làm việc với Trợ lý cấp cao Chủ tịch Thường trực Thượng viện Hoa Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO